Tổng thư ký đã tổng kết một loạt tiến triển trong tiến trình thực thi các mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia nêu bật tại diễn đàn, như giảm tỷ lệ tử vong ở thai phụ và trẻ sơ sinh, mở rộng giáo dục căn bản, cải thiện sự tiếp cận điện và nhiều dịch vụ căn bản khác nữa.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh các cuộc thảo luận tại diễn đàn cũng thể hiện rõ nhiều quốc gia đang bị tụt hậu hoặc thậm chí bị thụt lùi trong một số lĩnh vực vốn là chìa khóa quyết định thành công của nỗ lực chung không để ai bị bỏ lại phía sau. Lần đầu tiên trong 1 thập niên, số người bị suy dinh dưỡng tăng, chủ yếu là do các cuộc xung đột, hạn hán và bệnh tật liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu. Tình trạng mất bình đẳng giới tiếp tục cản trở phụ nữ và khiến họ không được hưởng những quyền cơ bản và các cơ hội. Đầu tư vào những hạ tầng cơ sở thiết yếu vẫn còn thiếu hụt.

Tổng thư ký LHQ cũng chỉ ra một loạt thách thức đang ngày càng lớn khác như tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến nghiêm trọng, số cuộc xung đột và bất bình đẳng ngày càng gia tăng, những cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu lớn chưa từng có và nạn nghèo đói dai dẳng.

Trước những thách thức nêu trên, người đứng đầu LHQ kêu gọi các quốc gia khẩn trương thực thi 5 giải pháp quan trọng, bao gồm: Huy động sức mạnh của thanh niên; Kiểm soát lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính dựa trên nền tảng là Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; Tăng cường huy động nguồn tài chính từ cả trong và ngoài nước cho việc thực thi chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là những nước dễ bị tổn thương; Phân phối những lợi ích của công nghệ tiên tiến cho tất cả mọi người; Củngcố hơn nữa các thể chế.

Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững được tổ chức từ ngày 9 đến 18/7 với sự tham dự của hơn 2500 đại biểu từ 193 nước thành viên LHQ (trong đó có 80 nước cử đoàn cấp Bộ trưởng), các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và giới học giả quốc tế. HLPF năm nay tập trung thảo luận chủ đề “Chuyển đổi hướng tới các xã hội bền vững và tự cường”, rà soát việc thực hiện 6/17 mục tiêu phát triển bền vững liên quan và xem xét báo cáo tự nguyện của 47 quốc gia. Hiện Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Kinh tế Xã hội nhiệm kỳ 2016 – 2018./. 

Theo TTXVN