Đây là lần thứ 8 Liên hợp quốc tổ chức các vòng đối thoại hòa bình về cuộc khủng hoảng Syria, với hy vọng sẽ mở ra cơ hội đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng kéo dài dai dẳng suốt 6 năm qua, đã cướp đi sinh mạng của 340.000 người dân vô tội và khiến đất nước Syria bị tàn phá nặng nề.
Trước bối cảnh trên, Đặc phái viên Liên hợp quốc về tình hình Syria – ông Staffan de Mistura đã nhấn mạnh tính cần thiết cấp bách của việc thúc đẩy một giải pháp chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Thậm chí ông Mistura còn hy vọng các vòng đối thoại sắp tới sẽ lần đầu tiên đánh dấu một tiến trình đàm phán thực sự về một thỏa thuận hòa bình tiềm năng chấm dứt cuộc xung đột giữa các phe phái tại Syria. Để đạt được mục tiêu này, các bên tham gia đàm phán sẽ phải vượt qua một rào cản đã khiến các nố lực hòa giải trước đó kết thúc trong bế tắc, đó là số phận tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong một nỗ lực nhằm tạo dựng một bầu không khí êm ả hơn cho các vòng đàm phán sắp tới, ông Mistura đã thuyết phục phe đối lập tại Syria rằng, yêu cầu mà họ đưa ra từ lâu về việc lật đổ ông al-Assad có thể sẽ không được đề cập tới. Đại diện ngoại giao Liên hợp quốc cho rằng, phe đối lập cần có một cái nhìn thực tế và nhận ra rằng họ đã thất bại trước quân chính phủ dựa trên những gì diễn ra trên thực địa.
Tuy nhiên, vào phút chót trước khi các vòng đối thoại hòa bình được tái khởi động, ông Mistura đã thông báo lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn chưa khẳng định sẽ cử đại diện tham dự. Trên thực tế, chưa có một đại diện nào của chính phủ Syria tới Geneva vào ngày 27/11 và điều đó đã làm dấy lên những hoài nghi về việc các đại diện này sẽ vắng mặt tại phiên khai mạc các vòng hòa đàm.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc chính phủ Syria vẫn chưa xác nhận cử đại diện tham gia các vòng đàm phán ở Geneva, phát ngôn viên Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric, ngày 27/11 đã không đưa ra câu trả lời trực diện mà chỉ nhận định rằng “sự hiện diện của chính phủ Syria đóng vai trò rất quan trọng”.
Trong khi đó, nhiều nhà ngoại giao tại Liên hợp quốc đã bày tỏ hy vọng rằng các vòng đối thoại hòa bình tại Syria có thể mang lại kết quả tích cực trong bối cảnh lực lượng đối lập đã thành lập một Ủy ban đàm phán thống nhất trước thềm tham gia sự kiện này.
Trước đó, ngày 27/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi tất cả các phe phái tại Syria tích cực tham gia tiến trình chính trị tại Geneva một cách vô điều kiện, đồng thời ủng hộ những nỗ lực nhằm bảo đảm sự thành công cho sự kiện này. Phát biểu trước báo giới sau phiên tham vấn kín về tình hình Syria, Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Sebastiano Cardi đã tái khẳng định quan điểm cho rằng, tiến trình Geneva cần thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. Bên cạnh đó, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh tinh thần tôn trọng chủ quyền, sự thống nhất, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ Syria./.
Thu Lan (Theo AFP, Xinhua)