Các nghị quyết của Liên hợp quốc nêu rõ rằng các lệnh trừng phạt không nên ảnh hưởng đến hoạt động cứu trợ nhân đạo, song các tổ chức viện trợ lâu nay lập luận rằng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hoạt động thương mại và ngân hàng đang gây ra những trở ngại, ngăn cản họ trợ giúp cho Triều Tiên những vật dụng sống còn.
Do đó, tháng trước, Mỹ đã đề xuất những chỉ dẫn mới nhằm cho phép các tổ chức viện trợ và các cơ quan Liên hợp quốc có thể nhanh chóng nhận được giấy phép miễn trừ từ ủy ban giám sát việc thực thi các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an.
Tới ngày 6/8, những đề xuất của Mỹ đã được Hội đồng Bảo an thông qua.
[Mỹ đề xuất phương hướng nhằm đảm bảo viện trợ tới được Triều Tiên]
Một quan chức Mỹ cho biết những chỉ dẫn mới sẽ đảm bảo rằng "chỉ có những hoạt động nhân đạo cấp thiết, cứu mạng sống của con người và cần thiết cho Triều Tiên mới có thể được tiếp tục" và những đơn xin giấy phép miễn trừ sẽ phải được đánh giá kỹ lưỡng.
Theo một tài liệu của ủy ban trừng phạt, tới đây cơ quan này sẽ gửi một thông báo tới toàn thể 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc "để giải thích cặn kẽ" về những thủ tục xin giấy phép miễn trừ nhằm mục tiêu "cải thiện hoạt động viện trợ nhân đạo" cho Triều Tiên.
Phó Đại sứ Hà Lan tại Liên hợp quốc Lise Gregoire-van Haaren, nước đang giữ chức chủ tịch ủy ban trừng phạt, cho hay những chỉ dẫn mới được kỳ vọng "sẽ làm minh bạch hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ cho người dân Triều Tiên mà không vi phạm các lệnh trừng phạt."
Bà nói thêm rằng mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và các lệnh trừng phạt đóng vai trò rất quan trọng quyết định sự thành bại của mục tiêu này.
Theo các quan chức Liên hợp quốc, gần một nửa dân số Triều Tiên - 10 triệu người - đang bị suy dinh dưỡng.
Trong khi đó, Mỹ khăng khăng khước từ đề nghị của Trung Quốc và Nga muốn nới lỏng lệnh trừng phạt với Triều Tiên, thay vào đó hối thúc duy trì sức ép tối đa để buộc nhà lãnh đạo Kim Jong-Un thực hiện cam kết giải giáp hạt nhân bán đảo Triều Tiên.
Mặt khác, mặc dù Hội đồng Bảo an thông qua kế hoạch mở đường cho hoạt động cứu trợ, song Liên hợp quốc đang phải đương đầu với tình trạng thiếu trầm trọng ngân sách cho các hoạt động nhân đạo tại Triều Tiên.
Chỉ có 4 nước - Thụy Sĩ, Thụy Điển, Canada và Pháp - quyên góp tổng cộng 12 triệu USD trong khi Liên hợp quốc cần 111 triệu USD để cứu trợ nhân đạo cho Triều Tiên./.