Bà Maria Neira, Giám đốc Văn phòng Y tế cộng đồng và môi trường thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết: “Hiện nay, gần 2 tỷ người đang sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm, khiến họ có nguy cơ mắc bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn và bại liệt”. "Theo ước tính, mỗi năm có hơn 500.000 trường hợp tử vong do uống nước nhiễm bẩn. Nước nhiễm bẩn cũng là yếu tố chính gây ra một số bệnh nhiệt đới bị bỏ quên như giun đường ruột, bệnh sán và bệnh mắt hột" – bà Neira cho biết thêm.
Ngoài ra, báo cáo cũng lưu ý rằng các quốc gia sẽ không đạt được những mục tiêu của thế giới để bảo đảm tiếp cận phổ cập với nước sạch và vệ sinh môi trường nếu không áp dụng các biện pháp nhằm sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả hơn và tăng cường nỗ lực để xác định những nguồn đầu tư tài chính mới.
Theo phân tích và đánh giá của Ủy ban về nước của Liên hợp quốc (UN-water), các quốc gia đã tăng khoản ngân sách được thông qua cho nước, vệ sinh môi trường, trung bình thêm 4,9% mỗi năm trong vòng 3 năm vừa qua. Tuy nhiên, 80% các quốc gia cho thấy đầu tư cho nước và vệ sinh môi trường vẫn chưa đủ để đạt được những mục tiêu đề ra ở cấp quốc gia cho các cơ sở dự trữ nước về vệ sinh môi trường.
Tại nhiều nước đang phát triển, các mục tiêu quốc gia hiện hành về bảo vệ được dựa trên quyền truy cập vào các cơ sở hạ tầng cơ bản, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cung cấp các dịch vụ an toàn và đáng tin cậy, một cách liên tục. Những khoản đầu tư dự kiến vẫn chưa chú trọng vào mục tiêu đầy tham vọng trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững, để tới năm 2030, bảo đảm quyền truy cập vào các dịch vụ nước và vệ sinh môi trường được quản lý một cách an toàn.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, để đạt được mục tiêu toàn cầu trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững, các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng phải tăng gấp 3 lần, lên đến 114 tỷ USD mỗi năm, con số không bao gồm các chi phí vận hành và bảo trì.
Trong bối cảnh thâm hụt đầu tư rất lớn thì 147 quốc gia gần đây chỉ rõ rằng họ đã có thể huy động các nguồn lực nhằm đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là giảm một nửa tỷ lệ người dân không được tiếp cận với các nguồn nước sạch, và 95 quốc gia đã đạt được mục tiêu tương ứng về vệ sinh môi trường.
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững tham vọng hơn sẽ đòi hỏi những nỗ lực tập thể, phối hợp và sáng tạo để huy động mức cao hơn nữa nguồn kinh phí từ tất cả các nguồn: các loại thuế, lệ phí cũng như các khoản chuyển từ các nhà tài trợ.
Theo các chuyên gia của Liên hợp quốc, tăng đầu tư cho nước và vệ sinh môi trường sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe và sự phát triển của con người, giúp tạo ra công ăn việc làm và bảo đảm không để bất kỳ ai ra bên lề xã hội./.
Khánh Linh (Theo UN, AFP)