Theo bản tóm tắt chính sách do Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres công bố ngày 29/3, hơn một năm sau khi đại dịch bắt đầu, những tác động tài khóa của cuộc khủng hoảng đang khiến ngày càng nhiều quốc gia mắc nợ quá mức và hạn chế nghiêm trọng khả năng đầu tư vào phục hồi và đầu tư cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững của nhiều quốc gia, bao gồm cả những hành động cần thiết và khẩn cấp về khí hậu.
Nghiên cứu của Liên hợp quốc cũng cho thấy 42 nền kinh tế vay vốn từ thị trường vốn đã trải qua những đợt hạ cấp kể từ khi đại dịch bắt đầu, bao gồm 6 nước phát triển, 27 nền kinh tế thị trường mới nổi và 9 nước thuộc nhóm Các nước kém phát triển. Việc hạ cấp chủ quyền dẫn đến chi phí đi vay cao hơn, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, do đó có thể làm tăng nguy cơ các quốc gia khác rơi vào tình trạng nợ không bền vững, đặc biệt nếu đại dịch COVID-19 kéo dài và sâu hơn dự kiến.
“Nếu chúng ta không có hành động dứt khoát để giải quyết các vấn đề về nợ và thanh khoản, chúng ta có nguy cơ chứng kiến một "thập kỷ mất mát" nữa đối với nhiều nước đang phát triển, điều này sẽ khiến việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) vào năm 2030 chắc chắn là không thể” – ông Guterres cảnh báo.
Báo cáo tóm tắt của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xóa nợ để tạo không gian đầu tư cho phục hồi và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Báo cáo lưu ý, ngay cả trong trường hợp nợ cao, việc vay nợ mới có thể dẫn đến cải thiện uy tín tín dụng nếu họ tài trợ cho các khoản đầu tư hiệu quả, đồng thời cho biết thêm rằng việc xóa nợ cũng có thể giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện để các quốc gia có thể quay trở lại tiếp cận thị trường và có thể làm giảm chi phí đi vay tổng thể, với những tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung./.
Khánh Linh (Theo UN, AFP)