Liên hợp quốc kêu gọi giảm thiểu tác động từ COVID-19 đối với an ninh lương thực toàn cầu 

(ĐCSVN) – Trong chính sách vắn tắt công bố ngày 9/6, 3 cơ quan lương thực trụ cột của Liên hợp quốc gồm: Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO); Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã kêu gọi “hành động khẩn cấp” để giảm thiểu tác động từ đại dịch COVID-19 đối với những người nghèo đói nhất trên thế giới.
Liên hợp quốc kêu gọi giảm thiểu tác động từ COVID-19 đối với an ninh lương thực toàn cầu

Theo số liệu Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhắc tới trong tài liệu, hiện có tới hơn 820 triệu người trên thế giới đang trong tình trạng thiếu ăn, trong khi khoảng 144 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, tương đương hơn 1/5 số trẻ em toàn cầu, mắc chứng còi cọc. Thực trạng này vẫn đang diễn ra ngay cả khi lượng lương thực mà thế giới sản xuất ra có thể đáp ứng nhu cầu cho toàn bộ dân số 7,8 tỷ người trên trái đất.

“Các hệ thống lương thực của chúng ta đang sụp đổ và đại dịch COVID-19 đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn” – người đứng đầu Liên hợp quốc lưu ý. Ông Guterres cảnh báo, trong năm nay, sẽ có thêm 49 triệu người bị đẩy vào ngưỡng nghèo đói cùng cực do tác động của COVID-19.  Nếu thế giới không hành động ngay lập tức, tình trạng khẩn cấp về lương thực toàn cầu có thể gây ra những hệ lụy lâu dài cho hàng trăm triệu người, bao gồm trẻ em.

Từ những lập luận trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã nêu nhóm giải pháp 3 điểm gồm: Huy động nguồn lực để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của con người, trong đó cần tập trung vào những khu vực phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng nhất; Tăng cường hệ thống bảo vệ dinh dưỡng xã hội và cuối cùng là đầu tư cho tương lai.

Theo Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu, tài liệu do 3 cơ quan lương thực của Liên hợp quốc công bố đã nhấn mạnh các thách thức đặc biệt nghiêm trọng ở những khu vực vốn đã phải đối mặt với nguy cơ cao ngay cả trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.

Ông Dongyu cảnh báo thế giới có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực, trừ khi nhanh chóng thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, duy trì chuỗi cung ứng nông nghiệp và giảm thiểu tác động của đại dịch đối với hệ thống thực phẩm.

Trong khi đó, bà Agnes Kalibata – Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh hệ thống thực phẩm dự kiến diễn ra vào năm tới, cũng nhận định rằng đại dịch COVID-19 đang làm nghiêm trọng hơn những vấn đề mà nhiều khu vực trên thế giới đang phải đối mặt.

“Đại dịch COVID-19 đang tấn công chúng ta ở mọi góc độ…Đại dịch đã phơi bày những thiếu sót nguy hiểm trong hệ thống thực phẩm của chúng ta và đe dọa tới cuộc sống, sinh kế của người dân trên khắp thế giới” – bà Kalibata nhấn mạnh.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh hệ thống thực phẩm năm 2021 là giải quyết các vấn đề được nêu lên trong báo cáo do FAO, WFP và IFAD đưa ra ngày 9/6, gồm: Giảm thiểu nghèo đói; Giải pháp cho các căn bệnh liên quan tới chế độ ăn uống; Nâng cao nhận thức về các thách thức lương thực trên phạm vi toàn cầu./.

Thu Lan (Theo UN, Xinhua)
192 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 937
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 937
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87179433