Trong tuyên bố được đưa ra ngày 11/11, người phát ngôn của Tổng thư ký cho biết ông António Guterres "lên án tất cả các vụ tấn công và sát hại các nhà báo và kêu gọi nỗ lực phối hợp để chống lại việc không trừng phạt những tội ác này trên diện rộng”.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thống kê cho thấy: Trong năm 2018 – 2019, 67 vụ sát hại nhà báo ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, trong đó 23 vụ liên quan trực tiếp đến việc đưa tin về một cuộc xung đột.
Ngoài những cuộc tấn công chết người, các nhà báo đưa tin về các cuộc xung đột phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa khác, bao gồm bạo lực dẫn đến thương tích, giam giữ tùy tiện, từ chối cấp thị thực và hạn chế di chuyển nội bộ, quá cảnh hoặc bên ngoài khu vực xung đột.
Liên hợp quốc một lần nữa nhắc lại rằng vai trò cơ bản của các nhà báo trong việc bảo đảm tiếp cận thông tin đáng tin cậy là điều cần thiết để đạt được hòa bình lâu dài, phát triển bền vững và các quyền con người.
Người phát ngôn cho biết: “Tổng thư ký nhắc lại rằng dân thường, bao gồm cả các nhà báo dân sự, tham gia các nhiệm vụ chuyên nghiệp tại những khu vực có xung đột vũ trang, phải được tôn trọng và bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế".
Ông Guterres kêu gọi tất cả các bên tham gia xung đột và cộng đồng quốc tế nói chung bảo vệ các nhà báo và tạo điều kiện cho các nhà báo hành nghề./.
Khánh Linh (Theo UN, AFP)