Báo chí nước ngoài đưa tin, đề xuất của ông Salame chủ yếu đề cập tới các biện pháp nhằm thay đổi một thỏa thuận chính trị hiện hành, để mở đường cho việc tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp và hướng tới tổng tuyển cử tại Libya.
“Người dân Libya mong muốn thực hiện một tiến trình do chính họ dẫn đầu và làm chủ” – ông Salame nói, đồng thời lưu ý thêm rằng, Thỏa thuận chính trị Libya (LPA) hiện vẫn là “cơ sở duy nhất” giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia này. Theo quan điểm của quan chức ngoại giao Liên hợp quốc, thì LPA đóng một vai trò cần thiết, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì văn kiện này vẫn chưa bao quát vấn đề một cách đầy đủ. Chính vì thế, bước đầu tiên của tiến trình khôi phục hòa bình tại Libya đòi hỏi thay đổi thỏa thuận này.
“Người dân Libya xứng đáng được hưởng một tương lai ổn định…Kế hoạch được đề xuất này đóng một vai trò cốt lõi và là sự tổng hòa giữa hy vọng cũng như mục tiêu của họ” – ông Salame nói.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng lạc quan tin tưởng rằng, kế hoạch này có thể mang lại cơ hội thống nhất đất nước Libya và chấm dứt cuộc xung đột kéo dài tại quốc gia Bắc Phi này. “Tôi tin tưởng rằng, hiện đang tồn tại một cơ hội để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài đã gây nên sự thống khổ và bất ổn vượt xa cả biên giới Libya. Chúng ta cần nắm bắt thời khắc này…Tôi có một niềm tin mạnh mẽ rằng, bối cảnh hiện nay đang làm hé hộ một giải pháp (cho cuộc khủng hoảng Libya)” – ông Guterres nói. Bên cạnh đó, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng chỉ ra một loạt những ưu tiên mà cộng đồng thế giới có thể cân nhắc hỗ trợ Libya, gồm một cấu trúc lãnh đạo hợp nhất và nâng cao việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người dân quốc gia này.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Libya kiêm người đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya do Liên hợp quốc hậu thuẫn (GNA) – ông Fayez al-Sarraj nhấn mạnh, tất cả các bên tham gia phiên họp tại Liên hợp quốc đã nhất trí tính cần thiết của việc hình thành một chính phủ được ủy quyền giải quyết mọi vấn đề của đất nước Libya. Tuy nhiên, ông al-Sarraj đã bác bỏ áp đặt giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Libya và nhấn mạnh rằng, vấn đề này cần được giải quyết thông qua con đường chính trị.
Trong bối cảnh trên, một số nhà phân tích lo ngại rằng, việc mang lại hòa bình lâu dài cho Libya là một mục tiêu đầy thách thức, đặc biệt khi mà quốc gia Bắc Phi này đã trải qua 9 đời Thủ tướng kể từ năm 2011. Ông Faraj Dardour – một nhà phân tích chính trị tại Tripoli cho rằng, Libya đang phải đối mặt với một thế bế tắc chính trị nghiêm trọng, đòi hỏi một giải pháp tháo gỡ và không cần thêm các động thái làm leo thang căng thẳng.
Đất nước Libya đã chìm trong bạo lực và bất ổn kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại năm 2011. Khủng hoảng kéo dài đã đẩy quốc gia có trữ lượng dầu mỏ dồi dào ở khu vực Bắc Phi này bị xẻ làm đôi và được kiểm soát bởi 2 chính phủ đối địch kể từ giữa năm 2014 cho tới nay. Trong đó, chính phủ do ông al-Sarraj đứng đầu được hình thành dựa trên khuôn khổ LPA và đã theo đuổi nhiều nỗ lực để thống nhất các phe phái quyền lực tại Libya. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có sự hậu thuẫn của Liên hợp quốc, thì chính phủ của ông al-Sarraj vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực thi quyền hạn của mình và không được thừa nhận bởi chính quyền đối lập./.
Thu Lan (Theo PressTV, Bloomberg)