Liên hợp quốc đề ra 3 vấn đề khẩn cấp toàn cầu 

(ĐCSVN) – Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra ngày 28/1 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi “sự lưu tâm ngay lập tức” tới 3 vấn đề khẩn cấp toàn cầu, gồm: Phân phối vaccine COVID-19, hỗ trợ tài chính cho các nước cần và khủng hoảng khí hậu.
Liên hợp quốc đề ra 3 vấn đề khẩn cấp toàn cầu

Về vấn đề khẩn cấp đầu tiên, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết, hiện thế giới có hơn 70 triệu liều vaccine được phân phối, song chỉ chưa đầy 20.000 liều vaccine trong số này tiếp cận tới khu vực châu Phi.

“Sự tồn tại của một khoảng cách miễn dịch toàn cầu sẽ đặt mọi người vào một tình thế rủi ro… Chủ nghĩa dân tộc tiêm chủng là một sự thất bại về kinh tế và đạo đức… Mọi quốc gia đều có quyền và nghĩa vụ bảo vệ người dân của mình, song không quốc gia nào có thể bỏ mặc phần còn lại của thế giới” – ông Guterres nói.

Từ những lập luận trên, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi thu hẹp khoảng cách tài chính, tăng cường sản xuất vaccine bằng cách cấp phép và chia sẻ rộng rãi công nghệ, tiêm chủng cho những người cần thiết – bắt đầu từ những nhân viên y tế và những người có nhiều nguy cơ mắc COVID-19.

“Chúng ta cần một chiến dịch vaccine toàn cầu để đối phó với một đại dịch toàn cầu” – Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định.

Về vấn đề cấp bách thứ 2, liên quan tới hỗ trợ tài chính cho các nước cần. Tổng thư ký Liên hợp quốc nói: “Trong thế giới ngày nay, tư lợi không thể tách rời khỏi sự đoàn kết. Nền kinh tế toàn cầu được hình thành từ một mạng lưới giao dịch phức tạp giữa các nước phát triển và đang phát triển… Trong khi đại dịch COVID-19 tiếp tục phá vỡ chuỗi cung ứng, các nền kinh tế phát triển sẽ không thể phục hồi hoàn toàn”.

Qua đó, ông Guterres nhấn mạnh rằng, để phục hồi nhanh chóng và hoàn toàn, các nước phát triển không chỉ nên chia sẻ công bằng vaccine, mà còn hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển bằng cách đảm bảo tính thanh khoản liên tục, bao gồm thông qua việc ban hành Quyền rút vốn đặc biệt, mở rộng giảm nợ cho tất cả các nước đang phát triển và các nước nhu thập trung bình – vốn cần tới điều này.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng, thế giới cần một “bước nhảy vọt về tài chính” từ tất cả các nguồn, kể cả từ các chủ nợ tư nhân cho các nước đang phát triển trên thế giới. “Đây không phải là một hành động từ thiện, mà chính là lẽ thường về kinh tế” – ông Guterres nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề khẩn cấp thứ 3 là khủng hoảng khí hậu toàn cầu, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Việc phục hồi sau đại dịch phải gồm cả năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng xanh, có khả năng phục hồi… Chúng ta đang nắm trong tay một cơ hội để kết thúc cuộc chiến vô nghĩa với thiên nhiên và bắt đầu tiến trình hàn gắn”.

Ông Guterres nhắc tới mục tiêu trọng tâm của Liên hợp quốc trong năm 2021 là xây dựng một liên minh toàn cầu hướng tới việc trung lập carbon vào năm 2050. “Mỗi quốc gia, mỗi thành phố, mỗi thể chế tài chính và mỗi công ty cần phải thực hiện các kế hoạch đáng tin cậy để chuyển đổi sang trạng thái không phát thải vào năm 2025, đồng thời có các hành động quyết định ngay từ bây giờ để đưa mình đi đúng hướng… Các nước phải xem xét Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDCs) trước thời điểm diễn ra Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tại Glasgow để cắt giảm 45% lượng khí thải nhà kính trên phạm vi toàn cầu vào năm 2030, so với mức năm 2010” – ông Guterres nói.

Cuối bài phát biểu, ông Guterres lưu ý rằng, trong năm 2021, thế giới sẽ diễn ra nhiều cuộc họp khác nhau để hướng tới mục tiêu: Chấm dứt các cuộc khủng hoảng mang tính tuyệt chủng; phê duyệt khung đa dạng sinh học toàn cầu năm 2020; giảm lãng phí năng lượng và tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo; chấm dứt việc đánh bắt quá mức và giảm ô nhiễm đại dương, bao gồm cả vấn đề rác thải nhựa; giảm lãng phí thực phẩm và thay đổi mạnh mẽ việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm./.

 
Thu Lan (Theo UN, Xinhua)
228 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1092
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1092
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87089056