Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Csaba Korosi ngày 9/11 cảnh báo thế giới đang đối mặt với nguy cơ phổ biến hạt nhân và thảm họa hạt nhân chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
Phát biểu tại một cuộc họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc về báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) năm 2021, ông Korosi kêu gọi các quốc gia thành viên hợp tác IAEA để đảm bảo an toàn hạt nhân.
Theo Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, các sự kiện quốc tế năm ngoái đã tác động đáng kể đến công việc của IAEA, buộc cơ quan này phải ứng phó với một loạt tình huống bất lợi hoàn toàn mới.
Ông nêu rõ xung đột tại Ukraine đã làm gia tăng những lo ngại này và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, khiến giá cả tăng vọt. IAEA cố gắng đáp ứng các yêu cầu của thời điểm này với quyết tâm của các chuyên gia nhằm mang lại sự ổn định và an toàn hạt nhân trong thời điểm các cuộc khủng hoảng đan xen nhau như hiện nay.
[Thêm 6 nước phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện]
Ông Korosi cho biết một phái bộ của IAEA đang làm việc suốt ngày đêm tại Zaporizhzhia, Ukraine, để đảm bảo an toàn và an ninh của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở thành phố này và ngăn chặn thảm họa hạt nhân.
Ông Korosi kêu gọi tất cả các bên hợp tác toàn diện với IAEA để đảm bảo an toàn hạt nhân và nhắc lại tầm quan trọng của thông tin thực tế, khách quan mà IAEA cung cấp về nhiều vấn đề hạt nhân.
Ông cũng nhấn mạnh các động thái làm xói mòn các cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân là rất nguy hiểm và là mối đe dọa lớn đối với hòa bình và an ninh.
Theo Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là khi đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng, trách nhiệm của IAEA là phải đảm bảo các công nghệ hạt nhân được an toàn, bảo mật và sử dụng cho mục đích hòa bình.
Tại thời điểm Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập, ông Korosi kêu gọi các quốc gia thành viên cũng như các doanh nghiệp cùng với IAEA tìm lời giải đáp cho 2 câu hỏi cốt yếu - đó là những phương án nào để ứng phó khi biến đổi khí hậu kết hợp với khủng hoảng nguồn cung năng lượng và khoa học nói gì về sự liên hệ giữa năng lượng hạt nhân và môi trường. Theo ông, đến nay thế giới mới chỉ chạm đến bề nổi của những câu hỏi đó./.
Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)