Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) ngày 24/5 đã kêu gọi các bên tại quốc gia châu Phi này tăng cường nỗ lực thúc đẩy các thỏa thuận an ninh chuyển tiếp để tổ chức các cuộc bầu cử như dự kiến.
Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đồng thời là người đứng đầu UNMISS, ông Nicholas Haysom, cho biết Tổng thống và các đảng phái khác của Nam Sudan được khuyến nghị nỗ lực hơn nữa để thực hiện đầy đủ các vấn đề còn tồn tại như: ban hành hiến pháp vĩnh viễn, ban hành luật bầu cử và thành lập các thể chế bầu cử.
[7 đại biểu hòa bình của Nam Sudan thiệt mạng trong một vụ tấn công]
Theo lộ trình hoàn thành quá trình chuyển tiếp của Nam Sudan được gia hạn vào tháng 8/2022, trong đó bao gồm tổ chức bầu cử và thành lập chính phủ mới, các bên đã đồng ý tổ chức bầu cử sau 24 tháng vào tháng 12/2024.
Ông Haysom cho biết quá trình lập hiến của Nam Sudan chậm 10 tháng và kế hoạch bầu cử chậm 8 tháng so với dự kiến.
Ông đồng thời cho biết thêm rằng một số điều khoản của các thỏa thuận an ninh chuyển tiếp vẫn chưa hoàn thiện.
Ông nhấn mạnh phần lớn sự chú ý của khu vực và quốc tế đã chuyển sang nước láng giềng Sudan, tuy nhiên tiến trình hòa bình của Nam Sudan đang ở thời điểm quan trọng, giữa ranh giới đạt được tiến bộ hoặc chậm lại.
Đặc phái viên Haysom còn cho hay gần đây ông đã gặp Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir để thảo luận về những diễn biến ở nước này và những tác động của cuộc khủng hoảng ở Sudan đối với Nam Sudan.
Phát biểu trước các nhà báo ở thủ đô Juba của Nam Sudan, ông Haysom cho biết: “Chúng tôi nhất trí rằng cuộc xung đột ở Sudan càng kéo dài thì sẽ có những hậu quả đáng kể về an ninh, kinh tế và nhân đạo đối với Nam Sudan."
Quan chức Liên hợp quốc này cho biết thêm rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã yêu cầu một cuộc điều tra cụ thể về việc liệu Nam Sudan đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử hay chưa, đồng thời yêu cầu những người trong UNMISS đang ủng hộ cuộc bầu cử đưa ra cơ sở thực tế cho sự ủng hộ này.
Ông Haysom nhận định nếu cuộc xung đột đang diễn ra ở Sudan kéo dài hơn nữa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh và kinh tế của Nam Sudan, đồng thời làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã nghiêm trọng ở quốc gia này.
Ông nêu rõ: “Về các thách thức an ninh, kinh tế và nhân đạo nói chung, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng Nam Sudan sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả những tác động của tình hình Sudan, mà không bỏ quên nhu cầu cấp thiết phải giải quyết các thách thức an ninh nội bộ của chính họ”./.
Nguyễn Tú (TTXVN/Vietnam+)