Báo cáo mang tên "Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu" do Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) và các cơ quan khác của Liên hợp quốc phối hợp thực hiện, công bố tại New York (Mỹ) bên lề Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững - nền tảng chính của Liên hợp quốc theo dõi hành động của các nước để thực hiện SDGs. Báo cáo cho thấy tương lai một thế giới không còn cảnh đói kém hiện vẫn xa vời khi số người không đủ ăn tiếp tục tăng từ 811 triệu người năm 2017 lên 821 triệu người năm 2018.
Theo báo cáo, nạn đói đã tăng gần 20% ở châu Phi, một lục địa cũng có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất. Mặc dù tỷ lệ đói ở Mỹ Latinh và Caribê vẫn dưới 7%, nhưng nó đang dần tăng lên. Và ở châu Á, suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến 11% dân số. Mặc dù Nam Á đã đạt được tiến bộ lớn trong 5 năm qua, song đây vẫn là vùng có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất.
Trong tuyên bố chung được đưa ra, các nhà lãnh đạo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cùng nêu rõ: "Các biện pháp mà chúng ta đang thực hiện để chống lại các xu hướng đáng lo ngại này cần phải táo bạo hơn, không chỉ ở quy mô của chúng, mà còn về mặt hợp tác đa ngành".
Nạn đói đang trở nên tồi tệ ở nhiều quốc gia, nơi tăng trưởng kinh tế đang bị chậm lại, đặc biệt là ở các nước thu nhập trung bình và những nước bị phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế các sản phẩm cơ bản.
Báo cáo thường niên của các cơ quan Liên hợp quốc cũng cho thấy bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng ở nhiều nước, nơi nạn đói gia tăng, khiến người nghèo, người dễ bị tổn thương hoặc bị thiệt thòi phải đối mặt với suy thoái và khủng hoảng kinh tế.
"Chúng ta cần khuyến khích chuyển đổi cơ cấu vì người nghèo và toàn diện, tập trung vào con người, đặt cộng đồng vào trung tâm của mối quan tâm, để giảm thiểu các lỗ hổng kinh tế và có thể tiếp tục như kế hoạch của chúng ta là xóa bỏ nạn đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức" – các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc tuyên bố nhấn mạnh.
Bất ổn lương thực
Năm nay, báo cáo của Liên hợp quốc có cái nhìn rộng hơn về tác động của tình trạng mất an ninh lương thực, bên cạnh nạn đói. Lần đầu tiên, báo cáo giới thiệu một chỉ số theo dõi SDG thứ hai, mục tiêu 2.1 về mức độ phổ biến của tình trạng mất an ninh lương thực vừa hoặc nặng, cho thấy 17,2% dân số thế giới, tương đương 1,3 tỷ người, không có quyền truy cập thường xuyên vào "thực phẩm bổ dưỡng và đầy đủ". "Mặc dù họ không nhất thiết phải chịu đói, nhưng họ dễ bị suy dinh dưỡng và sức khỏe kém hơn" – báo cáo viết.
Sự kết hợp giữa mức độ mất an ninh lương thực vừa và nghiêm trọng dẫn đến khoảng 2 tỷ người ở trong tình trạng mất an ninh lương thực ở mọi châu lục. Phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn một chút so với nam giới.
Đối với trẻ em, báo cáo cho hay kể từ năm 2012, không có tiến triển nào được thực hiện trong việc giảm tỷ lệ trẻ sinh không đủ cân nặng. Trong khi số trẻ em dưới 5 tuổi thấp còi đã giảm 10% trong 6 năm qua trên toàn thế giới thì tốc độ tiến bộ lại quá chậm chạp để đạt được mục tiêu giảm một nửa lao động trẻ em vào năm 2030.
Ngoài ra, thừa cân và béo phì tiếp tục gia tăng ở tất cả các khu vực, đặc biệt là ở trẻ em trong độ tuổi đến trường và người trưởng thành.
Để duy trì an ninh lương thực và dinh dưỡng, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các chính sách kinh tế và xã hội nhằm chống lại tác động của các chu kỳ kinh tế bất lợi khi chúng xảy ra, đồng thời tránh việc giảm các dịch vụ thiết yếu. Nghiên cứu của Liên hợp quốc lập luận rằng tốc độ phục hồi kinh tế không đồng đều "làm suy yếu các nỗ lực xóa đói và suy dinh dưỡng, với nạn đói gia tăng ở nhiều quốc gia nơi nền kinh tế đã chậm lại", chủ yếu ở các nước thu nhập trung bình.
Ngoài ra, suy thoái kinh tế không cân xứng làm suy yếu an ninh lương thực và dinh dưỡng, trong đó bất bình đẳng là lớn nhất. "Bất bình đẳng thu nhập làm tăng khả năng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, và hiệu ứng này cao hơn 20% ở các nước thu nhập thấp so với các nước thu nhập trung bình" – báo cáo cho biết.
Các cơ quan Liên hợp quốc kết luận cần có những định hướng chính sách ngắn và dài hạn để duy trì an ninh lương thực và dinh dưỡng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hoặc chuẩn bị cho bối cảnh đó, như bằng cách tích hợp các vấn đề an ninh lương thực và dinh dưỡng trong các nỗ lực giảm nghèo, thông qua chuyển đổi cơ cấu vì người nghèo và toàn diện./.
Khánh Linh (Theo UN, AFP, AP, Reuters)