Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, ông Haq cho biết: “Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nắm được thông tin về việc Mỹ áp đặt lệnh hạn chế đi lại đối với các nhà ngoại giao thuộc phái đoàn thường trực của Iran tại Liên hợp quốc. Văn phòng Tổng thư ký Liên hợp quốc đang liên lạc chặt chẽ với các phái đoàn thường trực của Mỹ và Iran tại Liên hợp quốc về vấn đề trên, đồng thời chuyển đến Mỹ thông điệp lo ngại về các biện pháp hạn chế”.

Tuyên bố trên được ông Haq đưa ra chỉ 1 ngày sau khi ông Jarif đã dẫn đầu một phái đoàn Iran tới New York để tham dự một Hội nghị cấp Bộ trưởng của Liên hợp quốc về các mục tiêu phát triển bền vững chống lại các thách thức gồm: Xung đột, nạn đói, bất bình đẳng và thay đổi khí hậu tới năm 2030. Chính phủ Mỹ đã cấp thị thực cho Ngoại trưởng Zarif nhưng lại hạn chế phạm vi di chuyển của ông trong thời gian công tác ở New York.

Về phía Bộ Ngoại giao Iran khẳng định các lệnh hạn chế đi lại mà Mỹ vừa áp đặt đối với ông Zarif – theo đó, chỉ cho phép nhà ngoại giao Iran di chuyển giữa trụ sở Liên hợp quốc và phái bộ Iran tại Liên hợp quốc cùng tư dinh gần đó của Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc, không hề ảnh hưởng tới “lịch trình làm việc” của ông Zarif.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết, tất cả các cuộc gặp gỡ, các cuộc trả lời phỏng vấn hay các bài phát biểu của ông Zarif đều được thực hiện trong phạm vi Liên hợp quốc, phái bộ Iran tại Liên hợp quốc hay tư dinh của Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc.

Trong khi đó, một số tờ báo nước ngoài cũng xác nhận việc vào ngày 15/7, ông Zarif đã trả lời phỏng vấn hãng truyền thông BBC của Anh và mạng truyền thông NBC của Mỹ tại tư dinh của Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc ở mạn Đông quận Manhattan, bất chấp việc đang phải đối mặt với lệnh hạn chế đi lại của Mỹ.

Theo một thỏa thuận được thông qua vào năm 1947, Mỹ có nghĩa vụ cho phép các nước tiếp cận với các cơ quan của Liên hợp quốc, gồm cả trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố nước này có thể từ chối cấp thị thực cho các đại diện ngoại giao vì một số lý do liên quan tới “an ninh, chủ nghĩa khủng bố và chính sách đối ngoại”.

Trả lời phỏng vấn truyền thông, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Iran – ông Brian Hook lại cho rằng, lệnh hạn chế đi lại đối với ông Zarif đã được đưa ra dựa trên cơ sở của bản thỏa thuận năm 1947. Cũng theo ông Hook thì không có quan chức nào của Mỹ lên kế hoạch gặp gỡ ông Zarif nhân dịp Ngoại trưởng Iran tới Mỹ để tham dự sự kiện của Liên hợp quốc.

Việc chính phủ Mỹ áp đặt lệnh hạn chế đi lại với Ngoại trưởng Iran là một diễn biến khác cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước vẫn chưa được hạ nhiệt. Vào cuối tháng trước, chính phủ Mỹ đã cảnh báo sẽ liệt ông Zarif vào bản danh sách đen của nước này.

Dự kiến, sau khi kết thúc lịch trình công tác ở Mỹ, ông Zarif sẽ lên đường sang thăm một số nước gồm: Venezuela, Nicaragua và Bolivia./.

Thu Lan (Theo Reuters, PressTV)