Bản báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, tăng trưởng tổng thể của tất cả các nền kinh tế phát triển hàng đầu và các khu vực phát triển nhất trên thế giới đã bị suy yếu do sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố tác động từ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Theo WESP, sau khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng 3,0% trong năm 2018, tăng trưởng tổng sản phẩm thế giới dự báo sẽ giảm xuống còn 2,7% trong năm 2019 và cải thiện lên mức 2,9% trong năm 2020. Điều này phản ánh sự điều chỉnh giảm so với mức dự báo được đưa ra vào tháng 1/2019.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra một số rủi ro có thể kéo theo sự suy giảm tăng trưởng ở cấp độ mạnh hơn hoặc kéo dài hơn đối với nền kinh tế thế giới, có nguy cơ gây ra thiệt hại nặng nề cho tiến trình phát triển. Trong đó phải kể đến sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại, sự biến động đột ngột về các điều kiện tài chính theo chiều hướng xấu và những hậu quả ngày càng rõ nét của hiện tượng biến đổi khí hậu.
Báo cáo nêu rõ, mối quan hệ căng thẳng về thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong cả ngắn và trung hạn. “Ngoài mối quan hệ căng thẳng về thương mại chưa được giải quyết với Trung Quốc, mới đây, Mỹ tiếp tục phát tín hiệu cảnh báo về việc áp đặt thuế bổ sung đối với hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU), chủ yếu đánh vào ngành công nghiệp hàng không và thực phẩm… Tác động của việc tăng cường các biện pháp áp thuế bổ sung và các đòn trả đũa sẽ không chỉ đẩy lùi tốc độ tăng trưởng của chính các nền kinh tế lớn này, mà còn tác động đến các nền kinh tế đang phát triển, nhất là đối với những nước xuất khẩu nhiều hàng hóa sang các nền kinh tế bị ảnh hưởng” - báo cáo có đoạn viết./.
Thu Lan (Theo Economictimes, Xinhua)