Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 9/8, nhiều người biểu tình ở Liban đã xông vào các tòa nhà của Bộ Các vấn đề người tị nạn và Bộ Lao động nước này ở trung tâm thủ đô Beirut.
Đáng chú ý là khu vực lối vào trụ sở Quốc hội Liban ở Beirut đã có lửa cháy khi hàng trăm người biểu tình phản đối chính phủ cố tìm cách vượt qua hàng rào an ninh để xông vào khu vực này.
Hãng thông tấn quốc gia Liban (NNAL) cho biết đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa những người biểu tình phản đối chính phủ với lực lượng cảnh sát vào tối cùng ngày.
[Vụ nổ ở Beirut: Biểu tình lớn phản đối giới chức Liban tắc trách]
Cảnh sát được cho là đã sử dụng đạn hơi cay để giải tán các đám đông biểu tình trên đường phố, đặc biệt là tại trụ sở các cơ quan công quyền.
Các cuộc đụng độ bạo lực nh ất giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát chống bạo động được ghi nhận ở khu vực xung quanh trụ sở Quốc hội Liban ở trung tâm Beirut.
Trước đó ngày 8/8, hàng nghìn người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát ở Beirut sau khi tụ tập trên đường phố để nêu yêu sách về cải cách và đòi chính phủ phải từ chức. Các cuộc đụng độ đã khiến hàng trăm người bị thương, trong đó có khoảng 100 nhân viên an ninh.
Cùng ngày, quân đội Liban cho biết hy vọng tìm thấy thêm những người sống sót trong vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hôm 4/8 vừa qua đang tắt dần.
Theo Bộ Y tế Liban, hiện vẫn còn 21 người mất tích sau vụ nổ trên, vốn phá hủy hoàn toàn nhiều khu vực ở thủ đô Beirut, khiến ít nhất 158 người thiệt mạng và khoảng 6.000 bị thương.
Cũng trong ngày 9/8, Bộ trưởng Môi trường và Phát triển Hành chính Liban Damianos Kattar đã từ chức. Động thái diễn ra chỉ vài ngày sau vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut.
Thủ tướng Liban Hassan Diab được cho là đã cố gắng thuyết phục Bộ trưởng Kattar tiếp tục đảm nhiệm cương vị của ông.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel Samad cũng thông báo từ chức. Đây là quan chức cấp cao đầu tiên trong Chính phủ Liban từ chức kể từ sau vụ nổ khiến hơn 6.000 người thương vong và thành phố Beirut bị tàn phá nghiêm trọng.
Bà Samad đã gửi lời xin lỗi tới người dân Liban vì đã không làm tròn chức trách. Trước đó một ngày, một số nghị sỹ Liban cũng đã từ chức sau vụ nổ kinh hoàng này.
Theo giới quan sát, nội các Liban đang đứng trước sức ép vô cùng lớn trước làn sóng biểu tình của người dân sau khi xảy ra thảm kịch trên, thậm chí có ý kiến cho rằng chính phủ của Thủ tướng Diab khó có thể chống đỡ cơn giận dữ của người biểu tình vốn đang ngày càng dâng cao./.
Trương Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)