Ngày 1/12, các nghị sỹ Liban vẫn chưa thể bầu ra tổng thống mới cho nước này sau 8 lần tiến hành bỏ phiếu trong bối cảnh bế tắc chính trị ngày càng ảnh hưởng sâu sắc hơn tới nền kinh tế vốn đã nhiều khó khăn của quốc gia này.
Hồi cuối tháng 10, cựu Tổng thống Michel Aoun đã rời nhiệm sở dù chưa tìm được người kế nhiệm và đến nay, Liban vẫn chưa có người đứng đầu nhà nước.
Quốc hội Liban hiện chia thành 2 nhóm gồm nhóm các nghị sỹ ủng hộ phong trào Hezbollah và các nghị sỹ phản đối phong trào này. Cả 2 nhóm đều không có thế đa số rõ ràng để tự quyết định kết quả bỏ phiếu.
Trong cuộc bỏ phiếu lần thứ 8 diễn ra ngày 1/12, nghị sỹ Michel Moawad nhận được 37 phiếu ủng hộ, thấp hơn nhiều so với mức đa số cần thiết để trở thành tổng thống mới của Liban.
[Quốc hội Liban lần thứ 7 không bầu được tổng thống mới]
Trong khi đó, 52 phiếu hầu không hợp lệ, chủ yếu là từ các nghị sỹ ủng hộ phong trào Hezbollah. Chỉ có 111 nghị sỹ trong tổng số 128 nghị sỹ Quốc hội Liban tham gia bỏ phiếu.
Nghị sỹ Antoine Habchi thuộc phe phản đối phong trào Hezbollah cho rằng Quốc hội hiện nay không làm tròn trách nhiệm.
Việc bầu một tổng thống mới, tiến tới chỉ định một thủ tướng mới và thành lập chính phủ tại Liban có thể kéo dài nhiều tháng thậm chí nhiều năm vì những mâu thuẫn chính trị.
Trước đó, ông Aoun cũng được bầu làm Tổng thống Liban sau hơn 2 năm vị trí này bị bỏ trống vì Quốc hội không thể nhất trí ý kiến sau 45 lần tiến hành bỏ phiếu.
Liban khó có thể đủ khả năng tài chính để chống chọi với cảnh bế tắc chính trị kéo dài vì nước này đang chật vật đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính mà Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá là tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại, giá đồng nội tệ rơi tự do và tỷ lệ nghèo tăng mạnh.
Trong khi đó, chính phủ tạm quyền không thể triển khai những cải cách triệt để theo yêu cầu từ các chủ nợ quốc tế như điều kiện để giải ngân hàng tỷ USD trong các khoản cho vay cứu trợ./.
Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)