Tham dự cuộc họp trên có đại diện Liên hợp quốc và 25 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Hội Chữ thập Đỏ Qatar, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng như một số tổ chức từ thiện của các nước Liban, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu tại cuộc họp, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về hoạt động nhân đạo, ông Ahmed bin Mohammed Al-Muraikhi cho biết Syria đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, hơn 13 triệu người dân cần viện trợ. Quan chức này ước tính trong năm nay, Syria cần tới 8 tỷ USD viện trợ.
Cuộc họp trên diễn ra trước thềm Hội nghị của Liên minh châu Âu về vấn đề Syria dự kiến được tổ chức tại Bỉ trong 2 ngày cuối tuần này. Dự kiến, hội nghị sắp tới thu hút nhiều đại diện đến từ hơn 70 nước và nhiều tổ chức quốc tế.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng nhân đạo của Syria, Phó Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), bà Kelly T. Clements ngày 2/4 đã ký thỏa thuận với Quỹ Phát triển Kinh tế Arab của Kuwait nhằm cấp khoản viện trợ trị giá 10 triệu USD cho người tị nạn Syria ở Iraq, đồng thời kêu gọi các nước Arab vùng Vịnh đóng góp nhiều hơn để trợ giúp người tị nạn.
Phát biểu trong chuyến thăm Kuwait, bà Clements nhấn mạnh cuộc chiến kéo dài 6 năm qua tại Syria đã đẩy hơn 5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Ngoài 5 triệu người di cư trên, còn có khoảng 13,5 triệu người phải sơ tán bên trong lãnh thổ Syria. Những người di cư không đủ khả năng nuôi sống gia đình cũng như không thể đưa con cái đến trường, trong khi mạng sống của họ luôn bị đe dọa. Số liệu thống kê cho thấy khoảng 1,5 triệu trẻ em hiện ở Syria không được tới trường.
Bà Clements cũng kêu gọi các thành viên khác trong GCC cần đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo của UNHCR.
Theo quan chức này, các nguồn quỹ hiện có của UNHCR đáp ứng chưa đến 1/2 nhu cầu thực tế cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo trên khắp thế giới, trong đó có Nam Sudan, Somalia, Myanmar và Bangladesh./.