Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 16/10 cho biết dự trữ nhiên liệu tại tất cả các bệnh viện trên khắp Dải Gaza dự kiến sẽ chỉ còn đủ dùng trong khoảng 24 giờ nữa.
OCHA cho hay “việc các máy phát điện dự phòng dừng hoạt động sẽ đặt tính mạng của hàng nghìn bệnh nhân vào tình thế nguy hiểm.”
Trong một diễn biến liên quan, các đoàn xe cứu trợ nhân đạo đang xếp hàng dài ở gần biên giới Ai Cập, không thể tiến vào Dải Gaza để tiếp cận người dân Palestine, do khu vực này đang bị Israel ném bom.
Cửa khẩu Rafah - lối đi duy nhất ra vào Dải Gaza không do Israel kiểm soát - đã bị đóng cửa kể từ ngày 10/10, sau 3 cuộc không kích của Israel vào đồn biên giới Palestine trong vòng 24 giờ.
Hiện, các chuyến hàng viện trợ từ Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã đến sân bay El Arish của Ai Cập, cách Rafah 50km về phía Tây.
Cùng với đó là lượng vật tư y tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp, đủ để đáp ứng nhu cầu của 300.000 người.
Chính phủ Ai Cập đã cử một đoàn gồm 100 xe tải có khả năng chở 1.000 tấn hàng viện trợ.
Israel, quốc gia kiểm soát 2 cửa khẩu trên bộ khác vào Gaza, đã tuyên bố "bao vây hoàn toàn" đường biển của dải đất này, đồng thời cắt nguồn cung cấp lương thực, nước, nhiên liệu và điện đối với 2,4 triệu người trên vùng lãnh thổ thuộc quản lý của Palestine.
[Xung đột Hamas-Israel: Khủng hoảng nhân đạo tại Gaza thêm trầm trọng]
Ngày 15/10, Quốc vương Abdullah II của Jordan đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan và Vua Felipe VI của Tây Ban Nha.
Trong các cuộc điện đàm trên, Quốc vương Jordan kêu gọi các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy sự hỗ trợ của quốc tế để ngăn chặn xung đột leo thang ở Gaza, bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế.
Quốc vương Jordan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo viện trợ y tế và cứu trợ cho Gaza đồng thời đảm bảo duy trì hoạt động của các tổ chức quốc tế tại khu vực này để thực hiện nhiệm vụ nhân đạo của họ.
Quốc vương Abdullah II cũng nêu rõ tầm quan trọng của việc tạo ra triển vọng chính trị nhằm hướng tới lộ trình hòa bình, công bằng và toàn diện dựa trên giải pháp hai nhà nước và ngăn chặn các chu kỳ bạo lực và chiến tranh tiếp theo trong khu vực.
Trong khi đó, Nga cùng ngày tiếp tục bày tỏ lập trường về cuộc xung đột Hamas-Israel, Moskva nhấn mạnh “nhu cầu cấp bách là cần bảo vệ dân thường và không để cuộc khủng hoảng lan sang các nước trong khu vực."
Theo quan điểm của Nga, không có giải pháp thay thế nào để giải quyết xung đột ngoại trừ thông qua việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập có thể chung sống hòa bình với Israel./.
Trương Tuấn (TTXVN/Vietnam+)