Theo Tân hoa xã, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình, bà Rosemary DiCarlo ngày 6/7 nhấn mạnh rằng ngoại giao là cách duy nhất để giải quyết hiệu quả vấn đề hạt nhân Iran.
Bà DiCarlo cho rằng điều cần thiết nhất là tất cả các bên nối lại cuộc đối thoại càng nhanh càng tốt và đạt được thỏa thuận về các vấn đề còn tồn tại.
[USA Today: Mỹ, Iran sắp đạt thỏa thuận về JCPOA]
Phát biểu tại cuộc họp báo của Hội đồng Bảo an, bà DiCarlo đã nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc đối với Mỹ về việc dỡ bỏ hoặc từ bỏ các biện pháp trừng phạt như đã nêu trong thỏa thuận và gia hạn các miễn trừ liên quan đến hoạt động thương mại dầu mỏ đối với Iran.
Bà cũng tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi của người đứng đầu Liên hợp quốc về việc Iran đảo ngược các bước mà nước này đã thực hiện, vốn không phù hợp với các cam kết liên quan đến hạt nhân theo thỏa thuận.
Trước đó, ngày 9/6, Iran đã bác bỏ tuyên bố của giới truyền thông về việc nước này “gần đạt được một thỏa thuận hạt nhân tạm thời”với Mỹ, đồng thời cho biết thỏa thuận như vậy không tồn tại cũng như không có trong chương trình nghị sự.
Theo hãng tin Tasnim, phái đoàn thường trực của Iran tại Liên hợp quốc ngày 8/6 đã trả lời một báo cáo của hãng tin tức trực tuyến Middle East Eye có trụ sở tại London, tuyên bố rằng Tehran và Washington đã gần đạt được một thỏa thuận tạm thời, theo đó Tehran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc khẳng định “một thỏa thuận tạm thời để thay thế Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) không tồn tại, cũng như không có trong chương trình nghị sự.”
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng (Mỹ) cũng phủ nhận báo cáo trên và gọi đây là thông tin “sai sự thật và gây hiểu lầm.”
Thỏa thuận hạt nhân, tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký hồi tháng 7/2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc- Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga - cùng với Đức), theo đó Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA đã bắt đầu vào tháng 4/2021 tại Vienna (Áo), song chưa đạt được đột phá nào sau vòng đàm phán gần đây nhất vào đầu tháng 8/2022./.
(Vietnam+)