Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến cùng ngày, người đứng đầu Liên hợp quốc nêu rõ, lời kêu gọi về một lệnh ngừng bắn đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ 114 chính phủ, các tổ chức trong khu vực, lãnh đạo tôn giáo và hơn 200 nhóm xã hội dân sự trải rộng khắp các khu vực trên thế giới, trong đó gồm cả 16 nhóm vũ trang.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng, sự mất niềm tin vẫn còn duy trì ở mức cao và việc thực hiện những mong muốn trên là điều khó khăn” – ông Guterres nói.
Đề cập tới tình hình Syria, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhận định, lệnh ngừng bắn ở Idlib đang tiếp tục phát huy hiệu lực, song “chúng ta vẫn hy vọng rằng các hành vi thù địch sẽ được chấm dứt trên phạm vi khắp lãnh thổ Syria”.
Về tình hình Libya, người đứng đầu Liên hợp quốc bày tỏ, rõ ràng là ông chưa hài lòng với mức độ thực thi lệnh ngừng bắn tại quốc gia Bắc Phi này. “Chúng ta đang chứng kiến một sự gia tăng căng thẳng, bất chấp mọi nỗ lực của chúng ta và cộng đồng quốc tế” – ông Guterres nói.
Trong thông điệp phát đi ngày 30/4, ông Guterres cho biết, bản thân ông và Liên hợp quốc đang nỗ lực thúc đẩy một lệnh ngừng bắn nhân đạo giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban.
Còn tại Yemen, ông Guterres tiết lộ, tất cả các đảng phái tại đây đã tỏ rõ sự ủng hộ trước lời kêu gọi của người đứng đầu Liên hợp quốc về một lệnh ngừng bắn. Cho tới nay, Liên hợp quốc cũng đang tích cực phối hợp với tất cả các phe phái, các nước đóng vai trò quan trọng trên toàn cầu và trong phạm vi khu vực, nhằm mục tiêu hướng tới một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn tại quốc gia Trung Đông này.
Ông Guterres hy vọng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ “đưa ra tiếng nói chung và thông qua những quyết định có thể góp phần biến các lệnh ngừng bắn trở thành điều có ý nghĩa và thực tế”.
Trong thời gian trở lại đây, người đứng đầu Liên hợp quốc đã “rất trăn trở” về việc làm thế nào để một lệnh ngừng bắn toàn cầu có thể trở thành sự thật khi đã nhiều lần đề cập tới vấn đề này. Ngày 23/3, ông Guterres kêu gọi tất cả các bên xung đột hạ vũ khí để cùng chung tay cho một trận chiến lớn hơn chống đại dịch COVID-19, kẻ thù “vô hình” chung đang đe dọa cuộc sống của nhân loại. Ngày 3/4, lời kêu gọi về thực hiện một lệnh ngừng bắn toàn cầu lại một lần nữa được ông Guterres nhắc tới.
Về vấn đề giãn nợ, theo quan điểm của ông Guterres thì điều này cần được mở rộng áp dụng đối với tất cả các nước đang phát triển. Việc giãn nợ ban đầu phải được tiếp nối bằng việc giảm nợ có mục tiêu, và thông qua cách tiếp cận toàn diện đối với các vấn đề cơ cấu thuộc về cấu trúc nợ quốc tế, nhằm ngăn chặn các kịch bản mặc định dẫn tới khủng hoảng tài chính và kinh tế kéo dài.
Trong thông điệp phát đi trực tuyến ngày 30/4, ông Guterres không chỉ nhắc lại lời cảnh báo về những hậu quả tiêu cực xuất phát từ kinh tế ảm đạm kéo dài mà còn đề cập tới một thực tế đáng quan ngại khi hàng triệu trẻ em trên thế giới bị “bỏ lỡ” cơ hội được tiêm các loại vắc-xin quan trọng. “Lượng kiều hối và dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài đang giảm mạnh…Nghèo đói sẽ bao phủ cuộc sống của thêm 500 triệu người và đây cũng là mức tăng đầu tiêu trong vòng 3 thập kỷ” – người đứng đầu Liên hợp quốc nêu rõ.
Ông Guterres hoan nghênh những nỗ lực của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và nhóm G20 trong việc hỗ trợ các nước vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi các nước cần khởi động việc lên kế hoạch cho một sự phục hồi tốt sau COVID-19, bởi điều này sẽ giúp thế giới được bước đi trên một con đường an toàn hơn, khỏe mạnh hơn bền vững và toàn diện hơn.
“Việc cải thiện những hạn chế bao gồm sự bất bình đẳng, tính dễ tổn thương và những lỗ hổng trong bảo vệ xã hội đang bị phơi bày một cách chân thực, cũng như việc đặt phụ nữ và bình đẳng giới vào vị trí trung tâm là điều quan trọng, nếu chúng ta muốn xây dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc trong tương lai…Sự phục hồi cần chúng ta sát cánh bên nhau trong hành động về khí hậu…Những điều mà chúng ta hướng đến vẫn là các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu” – ông Guterres nói.
Theo số liệu thống kê do trang thống kê trực tuyến worldometers.info công bố sáng 1/5, thế giới ghi nhận 3.307.656 ca nhiễm COVID-19, với 234.074 ca tử vong và 1.039.168 ca bình phục. Mỹ tiếp tục là “điểm nóng’ COVID-19, khi số ca nhiễm và tử vong không ngừng tăng trong những ngày qua, với 1.095.023 ca nhiễm bệnh và 63.8856 ca tử vong, tính đến thời điểm hiện tại.
Sáng 1/5, châu Âu ghi nhận tổng số 1.373.444 ca nhiễm COVID-19 và 135.235 ca tử vong vì dịch bệnh. Như vậy, số ca nhiễm bệnh tại “lục địa già” hiện đang chiếm tới hơn 41% tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới, trong khi tỷ lệ này đối với các ca tử vong là 57,8%.
|
Thu Lan (Theo Xinhua, worldometers.info)