Ngày 21/5, Đại sứ Liên hợp quốc tại Libya đã cảnh báo tình hình chiến sự tại Tripoli "chỉ là sự khởi đầu của một cuộc chiến dai dẳng và đẫm máu," đồng thời kêu gọi nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn "dòng chảy" vũ khí đang đổ vào nước này.
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Ghassan Salame cho biết nhiều quốc gia đang cung cấp vũ khí cho Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận tại thủ đô Tripoli và các lực lượng do tướng Khalifa Haftar dẫn đầu.
Ông nêu rõ: "Bạo lực tại vùng ngoại ô thủ đô Tripoli chỉ là sự khởi đầu của một cuộc chiến dai dẳng và đẫm máu ở bờ biển phía Nam của Địa Trung Hải, khiến an ninh tại các nước láng giềng và toàn khu vực Địa Trung Hải rơi vào nguy hiểm."
Ông cảnh báo nếu không có hành động kịp thời nhằm ngăn chặn vũ khí tuồn vào Libya, quốc gia Bắc Phi này sẽ chìm trong cuộc nội chiến, dẫn tới sự hỗn loạn và chia cắt.
[IS đụng độ các tay súng của tướng Haftar, tấn công mỏ dầu ở Nam Libya]
Lời cảnh báo của Đại sứ Salame được đưa ra sau khi GNA hồi cuối tuần qua đã đăng tải các bức ảnh cho thấy hàng chục xe thiết giáp do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất được chuyển tới lực lượng ủng hộ GNA.
Trong khi đó, trang web ủng hộ Tướng Haftar cũng đăng các bức ảnh và đoạn phim về các xe thiết giáp do Jordan sản xuất được cung cấp cho lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA).
Trong một báo cáo gửi tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới đây, các chuyên gia Liên hợp quốc nói rằng các tên lửa nhằm vào lực lượng ủng hộ GNA hồi tháng 4 vừa qua dường như là một vụ tấn công bằng máy bay không người lái mà có sự tham gia của "bên thứ ba," có thể là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang.
Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi GNA được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.
Xung đột giữa hai bên leo thang sau khi Tướng Haftar ngày 4/4 vừa qua phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 400 người đã thiệt mạng, hàng chục nghìn người bị thương, khoảng 55.000 người phải rời bỏ nhà cửa kể từ ngày 4/4.
Chiến dịch quân sự của Tướng Haftar khiến dư luận lo ngại về một cuộc nội chiến mới tại quốc gia Bắc Phi này./.
Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)