Ngày 7/5, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc cho biết, hàng nghìn người di cư đã bị mắc kẹt khi không thể di chuyển do các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới được nhiều quốc gia áp đặt nhằm khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trao đổi với báo giới, Tổng Giám đốc IOM Antonio Vitorino cảnh báo, các lán trại người di cư ở nhiều nước đang "rất có khả năng" trở thành những ổ dịch COVID-19 khi có hàng nghìn người tập trung trong khi điều kiện vệ sinh dịch tễ lại không được đảm bảo.
Tại các khu vực Đông Nam Á, Đông Phi và Mỹ Latinh, nhiều người di cư dù muốn hồi hương không thể trở về nước do các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới. Nhiều người đã bị mắc kẹt trong hành trình di cư của mình, phải sống tạm bợ tại các khu vực biên giới trong điều kiện vô cùng khó khăn và không được tiếp nhận những cơ sở vật chất tối thiểu.
Bệnh cạnh đó, việc tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội trong cộng đồng người di cư là điều "không thể", chưa kể việc tiếp cận nguồn nước sạch và vệ sinh lại là một thách thức lớn. Tổng Giám đốc IOM cũng cảnh báo việc dịch COVID-19 có thể lây lan trong các trại di cư sẽ gây ra tác động lớn.
Nhấn mạnh đây là "một mối lo ngại khổng lồ", ông Vitorino cho biết IOM đang kêu gọi chính phủ nhiều quốc gia cho phép các nhân viên hỗ trợ được tiếp cận những nhóm người di cư lớn đang tập trung gần các khu vực biên giới.
Ngoài ra, ông Vitorino cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến lượng người di cư vượt Địa Trung Hải tới châu Âu giảm đáng kể. Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa đã gây ra tình trạng người di cư bị dồn ứ trên hành trình và một khi các biện pháp hạn chế đi lại được dỡ bỏ, những người này lại sẽ tiếp tục hướng về châu Âu.
Ngoài ra, các mạng lưới tội phạm buôn người sẵn sàng hoạt động trở lại "ngay lập tức" sau khi dịch COVID-19 dần lui. IOM cũng lo ngại về những người di cư đang bị giam giữ và những người đang sống trong các khu ổ chuột, đặc biệt là ở Nam Mỹ.
Ông Vitorino kêu gọi các nước cần tạo điều kiện cho phép người di cư được tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế quốc gia, viện dẫn trường hợp của Singapore khi những "thành công" bước đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã bị hủy hoại do người di cư không được kiểm tra sức khỏe y tế. Tổng Giám đốc IOM cũng cho rằng vấn đề người di cư cần được xem xét trong các kế hoạch phục hồi kinh tế.
IOM quản lý khoảng 1.100 trại di cư trên thế giới và đã hỗ trợ khoảng 2,4 triệu người trong năm ngoái. Tới nay đã có khoảng 220 trường hợp mắc COVID-19 được ghi nhận trong các trại di cư do IOM quản lý tại Hy Lạp và những người này đã được điều trị tại các cơ sở y tế của nước sở tại./.
Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)