Lão nông cải tiến máy cày thành máy làm đất đa năng 

(QT) - Suốt đời gắn bó với ruộng đồng và chưa từng qua một trường lớp đào tạo cơ bản về cơ khí, chế tạo máy, thế nhưng bằng niềm đam mê, sự cần mẫn, sáng tạo, ông Phùng Thế Oanh (60 tuổi), ở thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh đã cải tiến thành công máy cày thành máy làm đất đa năng. Sự sáng tạo đó không chỉ làm lợi cho gia đình ông mà còn giúp ích cho nhiều nông dân trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất...

 

Ông Phùng Thế Oanh vận hành máy làm đất đa năng

 

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo nên thuở bé, ông Oanh chỉ được học hết lớp 7 (hệ 10/10 trước đây). Sau ngày đất nước thống nhất, ông được nhận vào làm công nhân Lâm trường Bến Hải. Năm 1981, ông Oanh nên duyên chồng vợ cùng bà Lê Thị Vân và vợ chồng tiếp tục gắn bó với Lâm trường Bến Hải đến năm 1991 thì về nghỉ theo chế độ 176. Nghỉ việc ở lâm trường, vợ chồng ông Oanh dùng số tiền tích cóp được từ những tháng ngày làm công nhân để đầu tư chăn nuôi bò, lợn, lập vườn trồng tiêu.

 

Nhờ cần cù, chịu khó nên vợ chồng ông cũng dần có của ăn, của để và nuôi 3 người con ăn học. Nhận thấy việc làm nông theo cách truyền thống chủ yếu nhờ vào sức người và lao động thủ công quá vất vả mà năng suất lại thấp, ông Oanh bàn với vợ mua máy cày để giải phóng sức người, sức kéo của trâu, bò. Dồn hết số tiền tích cóp được, ông mua chiếc máy cày với giá 60 triệu đồng. Nhưng rồi, chiếc máy cày chuyên dụng chỉ làm tốt mỗi việc cày đất còn các công đoạn khác như làm tơi đất, bừa, rạch luống thì phải thuê các loại máy khác hoặc buộc phải mua sắm thêm dụng cụ phụ trợ gắn vào với chi phí không nhỏ.

 

Nghĩ đến việc làm nông mà cái gì cũng phải thuê, phải mua sắm dụng cụ phụ trợ trong khi nhà có chiếc máy cày đành để không sau khi xong việc cày đất nên ông Oanh ấp ủ kế hoạch cải tiến chiếc máy cày thành máy làm đất đa năng. Đầu năm 2014, ông bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình bằng cách mua sắm máy hàn, dụng cụ gia công cơ khí, vật liệu sắt, thép. Thấy ông Oanh bày biện la liệt các bộ phận máy móc, vật liệu ở một góc nhà rồi hàn, đục, cưa suốt ngày nên nhiều người thân cũng nghi ngờ hiệu quả mang lại. Thậm chí khi ông tháo rời các bộ phận của chiếc máy cày để nghiên cứu, vợ và các con đã can ngăn bởi giá trị của nó khá lớn.

 

Sau một vài lần thất bại, tốn kém tiền của, công sức, nhưng ông Oanh không bỏ cuộc mà trái lại càng đam mê hơn, đặt nhiều tâm huyết hơn vào việc cải tiến máy cày thành máy làm đất đa năng. “Sau nhiều lần thất bại, hễ thấy tôi lấy tiền mua sắm các thiết bị máy móc về cải tiến máy cày là vợ tôi lại lắc đầu ngao ngán. Nhưng thấy tôi quá quyết tâm và đam mê nên mỗi khi bán con lợn, đàn gà, vườn tiêu, bà ấy đều dành cho tôi một khoản kinh phí để tôi thực hiện kế hoạch của mình. Và tôi đã không làm cho vợ con mình thất vọng”, ông Oanh tâm sự.

 

Rút kinh nghiệm từ những lần trước, ông tìm hiểu kỹ lưỡng hơn qua internet, các video trên youtube và đã cải tiến, chế tạo thành công bộ phay nhỏ đất, chiếc bừa lấy mặt phẳng, bộ lưỡi cày 7 chiếc chuyên rạch luống để biến chiếc máy cày đơn chức năng thành máy làm đất đa năng có thể cày, bừa, làm tơi đất, rạch luống. “Thông thường máy rạch luống gieo hạt như ngô, đậu xanh chỉ có 1 lưỡi duy nhất nhưng tôi đã sáng tạo ra trục cát đăng xoay tua được 7 lưỡi. Ưu điểm của việc rạch luống 7 lưỡi là đảm bảo độ thẩm mỹ cao, hoàn thành công việc nhanh gấp 10 lần so với việc dùng sức kéo trâu bò và gấp 7-8 lần so với máy chuyên dụng”, ông Oanh chia sẻ.

 

Khi đã cải tiến thành công, ông Oanh bắt tay vào mùa vụ mới với nhiều thuận lợi hơn dự kiến, được nông dân trong vùng đánh giá cao. “Trước đây để cày, bừa, làm tơi đất 3,5 ha ruộng và 2,5 ha đất màu của gia đình phải mất hơn nửa tháng trời và tốn kém rất nhiều khoản chi phí nhưng bây giờ mọi thứ đã rút ngắn lại, hiệu quả sản xuất đã tăng lên rõ rệt”, ông Oanh cho biết. Nhận thấy lợi ích thiết thực của chiếc máy làm đất đa năng, nhiều người dân trong xã Vĩnh Giang và các xã lân cận như Vĩnh Thành, Vĩnh Tân đã tìm đến nhà ông Oanh để hợp đồng thuê làm đất trọn gói, nhất là loại đất màu dùng trồng đậu xanh, lạc, ngô.

 

Tuy được nhiều người hợp đồng trọn gói các khâu làm đất sản xuất nông nghiệp nhưng ông Oanh không hề ép giá mà lấy với giá khá thấp (160 nghìn đồng/sào). Mới đây, ông Oanh đã cải tiến thành công thêm một chiếc máy cày chuyên dụng đã cũ thành máy làm đất đa năng “4 trong 1” cho cậu em vợ, ở xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Linh) với bộ phay đất, bừa, rạch 7 luống. Tiếng lành đồn xa, nhiều người nông dân đã tìm đến ông Oanh đặt hàng nhờ cải tiến máy cày thành máy làm đất đa năng nhưng ông còn băn khoăn.

 

Ông Oanh bộc bạch: “Sắp tới tôi còn khá nhiều dự định cải tiến, chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng ngặt nỗi đang thiếu vốn. Tôi mong nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của các ban, ngành, đoàn thể và tiếp cận vay vốn ưu đãi để đầu tư cho việc cải tiến, chế tạo một số loại máy”. Nói về những cải tiến, sáng chế này, ông Phùng Thế Tuyền, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học xã Vĩnh Giang cho biết: “Những cải tiến, sáng chế của ông Phùng Thế Oanh rất phù hợp với nhu cầu thực tiễn sản xuất của nhân dân vì thế đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Ông Oanh xứng đáng là một tấm gương sáng về quá trình tự học, qua đó góp phần cổ vũ phong trào học tập suốt đời của nhân dân trên địa bàn xã Vĩnh Giang”.

 

Phú Hải

1942 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 777
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 778
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77453169