Theo phóng viên TTXVN tại Lào, trước những diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch COVID-19 trên toàn cầu, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith ngày 29/3 đã ban hành Chỉ thị số 06 yêu cầu tăng cường hơn nữa các hoạt động phòng chống và dập tắt sự lây lan của dịch bệnh.
Chỉ thị cho phép cán bộ, nhân viên, trừ những người làm ở các lực lượng vũ trang, điện lực, nước sạch, truyền thông, y tế… tạm nghỉ từ ngày 1-11/4 tới, sau đó tiếp tục nghỉ Tết cổ truyền của Lào đến hết ngày 19/4 tới; cho phép các bộ, các cơ quan ngang bộ và chính quyền các địa phương trên cả nước tổ chức và hướng dẫn cho nhân viên làm việc của cơ quan tại nhà thông qua điện thoại, email, mạng xã hội, họp trực tuyến…
Chỉ thị cũng nêu rõ: cấm nhân dân, cán bộ, nhân viên, bộ đội, công an, học sinh, người kinh doanh, người nước ngoài… ở Lào ra khỏi nhà hoặc nơi cư trú, trừ trường hợp như ra ngoài mua thức ăn, mua các đồ dùng thiết yếu, đi bệnh viện hoặc đi làm ở các cơ quan, tổ chức vẫn được phép đi làm.
Với nông dân sản xuất nông nghiệp, vẫn cho phép đi làm nhưng phải chịu sự giám sát của chính quyền địa phương để tránh nguy cơ lây nhiễm;cấm mọi cá nhân đi sang địa phương khác hoặc sang những địa phương đã có người mắc bệnh COVID-19 hay vùng có nguy cơ lây nhiễm, trừ những người được phép của chính quyền địa phương trong các trường hợp cần thiết như đi mua hàng, đi viện…
Chỉ thị cũng cấm người dân không được tích trữ hàng hóa, lợi dụng tình hình để tăng giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng như gạo, thức ăn, khẩu trang, nước sát khuẩn….
Đồng thời, cấm việc đưa tin hoặc lan truyền thông tin sai sự thật về dịch COVID-19, khiến nhân dân hiểu sai, hoang mang và gây xáo trộn xã hội...; cấm tổ chức các hoạt động, hội họp và tập trung đông quá 10 người, kể cả các hoạt động chào đón năm mới, tôn giáo, cưới xin, tiệc tùng…
Ngoài các cửa khẩu phụ vẫn tiếp tục đóng cửa, Chỉ thị quy định các cửa khẩu quốc tế cũng sẽ đóng toàn bộ đối với mọi cá nhân, kể cả những người đã được phép rời đi nhưng chưa kịp rời.
[Tình hình dịch COVID-19 tại ASEAN: Thêm các ca nhiễm mới tại Lào]
Riêng các phương tiện vận chuyển hàng hóa, vẫn cho phép đi qua nhưng phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch.
Chỉ thị cũng giao cho Bộ Ngoại giao Lào phối hợp với các bên liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn quay trở về nước.
Lào cũng sẽ tiếp tục đóng cửa các cơ sở giải trí, quán bia, quán mát xa, địa điểm tập thể thao, chợ đêm…; đóng cửa tạm thời các nhà máy may và các nhà máy lớn… có nguy cơ lây nhiễm cao, trừ các nhà máy sản xuất đồ tiêu dùng thiết yếu, sản xuất thuốc, thiết bị y tế...
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các cơ sở này phải thực hiện nghiêm túc các quy định phòng ngừa dịch COVID-19 mà Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Lào đã ban hành (ví dụ như việc kiểm tra thân nhiệt, sử dụng khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn và người và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ…).
Chỉ thị cũng ghi rõ các cơ sở vẫn được phép hoạt động gồm ngân hàng, các tổ chức tài chính, thị trường chứng khoán, bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám, cửa hàng thuốc, chợ, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng xăng dầu, nước sạch, khách sạn (chỉ được phép mở dịch vụ nghỉ, các dịch vụ khác phải đóng)…
Tính đến ngày 29/3, Lào đã tiến hành xét nghiệm cho 311 trường hợp nghi mắc COVID-19, trong đó có 8 trường hợp cho kết quả dương tính.
Người dân Thái Lan coi truyền hình là nguồn tin cậy nhất về dịch bệnh COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, kết quả thăm dò dư luận do Đại học Suan Dusit Rajabhat thực hiện công bố ngày 29/3 cho thấy phần lớn người dân Thái Lan thu được hầu hết thông tin về dịch COVID-19 từ mạng xã hội, nhưng coi truyền hình là nguồn tin cậy nhất.
Người dân mua hàng hóa tại siêu thị ở Bangkok, Thái Lan, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Cuộc thăm dò được thực hiện từ 25-28/3 đối với 1.033 người trên khắp đất nước để tập hợp ý kiến về những tin tức lan truyền trên rất nhiều loại báo chí, kể cả tin giả.
Có tới 79,30% số người được hỏi nói rằng họ thu được thông tin về COVID-19 từ mạng xã hội; trong đó có Facebook, Twitter, Instagram và các trang web, trong khi 77,05% từ truyền hình; 60,69% từ truyền miệng; 45,52% từ các văn bản giấy kể cả báo chí và các tuyên bố chính thức; và 44,73% từ các tin nhắn SMS.
Tuy nhiên, hầu hết số người trả lời (89%) nói rằng họ dựa nhất vào truyền hình, trong khi 63,09% nói là các văn bản giấy như báo chí và các tuyên bố chính thức; 56,23% đài truyền thanh; 53,72% mạng xã hội trực tuyến như Facebook, Twitter, Instagram và các trang web; và 42.98% là truyền miệng.
Khi được hỏi làm thế nào để phân biệt giữa tin giả và tin thật, 41,08% nói họ xem xét sự tin cậy của các nguồn thông tin; 32,22% cho biết họ thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau; 22,96% trả lời họ phân tích tất cả các tin tức dựa trên lý lẽ; 20,10% nói họ thường chờ thông tin từ các cơ quan chính phủ hoặc liên quan; và 16,95% trả lời họ dựa nhiều vào báo chí chính thống hơn là mạng xã hội.
Trước đó, Chính phủ Thái Lan ngày 28/3 cảnh báo việc người dân không thực hiện dãn cách xã hội sẽ làm cho dịch COVID-19 tiếp tục lây lan.
Theo Trung tâm ứng phó dịch bệnh COVID-19, nếu chỉ có 70% người dân hợp tác, các ca lây nhiễm mới sẽ tiếp tục tăng, trong khi với 80% hợp tác, số lượng sẽ dần giảm xuống và nếu 90% người dân hợp tác thì sẽ giảm rõ rệt.
Trong ngày 29/3, Thái Lan đã ghi nhận thêm 143 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và thêm 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm lên 1.388 bệnh nhân và tổng số tử vong là 7 người./.
Phạm Kiên-Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+)