Lúa “béo phì, lép hạt”
Đã sắp tới thời kỳ thu hoạch nhưng ruộng lúa của anh Trần Đình Thanh, ở thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang vẫn xanh rờn, cao lớn khác thường nhưng bông lúa đa phần lại dẹp lép. Anh Thanh cho biết, gia đình anh đang sống ngay đầu nguồn xả nước thải từ khu công nghiệp Quán Ngang nên hứng chịu nhiều nhất hệ lụy từ sự ô nhiễm môi trường. “Gia đình tôi làm 2 mẫu lúa. Những năm trước chưa có nước thải từ khu công nghiệp xả ra thì lúa sinh trưởng, phát triển bình thường và năng suất khá cao. Tuy nhiên khoảng 3- 4 năm nay, cây lúa liên tục sụt giảm năng suất, sản lượng và chất lượng. Với diện tích lúa trên trước đây mỗi vụ gia đình tôi thu được khoảng 4 tấn thóc, nhưng từ ngày ruộng lúa nhiễm nước từ khu công nghiệp thì thu chỉ được khoảng 2 tấn trở lại”, anh Thanh ngán ngẫm nói.
|
Ruộng lúa của anh Trần Đình Thanh ở thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang, huyện Gio Linh bị cao lớn bất thường nhưng lép hạt
|
Theo anh Thanh, ban ngày người ta chưa xả nước thải nên còn tương đối bình thường nhưng vào tầm 9-10 giờ đêm, khi họ xả thải thì mùi hôi thối bốc lên không thể nào chịu nổi, nước ngoài kênh mương gần ống xả thải cũng có màu đen như cà phê. Anh cho biết thêm là vào mùa hè, ruồi, muỗi trong khu vực xuất hiện rất nhiều. Kế cạnh nhà anh Thanh, anh Trần Đình Minh cũng tỏ ra vô cùng bức xúc khi chúng tôi đề cập đến chuyện nước thải. Anh cho biết, nhà anh đang ở và cả ruộng lúa, ao nuôi vịt đều nằm ngay cạnh hệ thống xả nước thải của khu công nghiệp nên lãnh đủ các hậu quả. “Cây lúa trồng ở đây không cần bón phân nhưng vẫn cao lớn như cỏ tranh, xanh rì, cây lúa như bị béo phì vậy.
Nhưng lúa thì lại lép hạt hết, năng suất lúa hiện nay chỉ đạt khoảng 60% so với khi chưa bị ảnh hưởng bởi nước thải. Mà cây lúa cũng kỳ lạ lắm, dù cắt 2-3 lần cho bò ăn rồi nhưng vẫn tái sinh cao lớn, xanh mướt chứ không như lúa bình thường. Bông lúa cắt đi bông mẹ xong, các bông con lại mọc ra tua tủa ở phía thân dưới, nhưng không có hạt. Nói chung cây lúa khu vực này từ ngày ngấm nước thải phát triển rất dị thường”, anh Minh miêu tả. Anh Minh là người sinh sống tại khu vực trên từ thời xưa nên rất am hiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nơi mình sống hiện nay. Anh cho biết, vài năm trở lại đây tình trạng cá, cua, ốc… chết thường xuyên diễn ra, đặc biệt là thời điểm khu công nghiệp hoạt động mạnh, nước thải xả ra nhiều. “Chất thải ngấm vào lòng đất, nước ngầm đang dần hủy hoại môi trường sống nghiêm trọng.
Ví như con cá rô phi sống mãnh liệt, lì lợm là thế nhưng sống trong ao hồ, ruộng lúa ở đây thời gian qua cũng thường xuyên bị nổ mắt, chết la liệt, đặc biệt là sau những trận mưa rào, hoặc có nắng nóng. Hoặc như cỏ, chỉ cần múc nước ở ao hồ nơi đây tạt vào, mấy ngày đầu nó héo rũ, nhưng chỉ sau một tuần lại đâm chồi và tốt lên rất nhanh, xanh tốt một cách bất thường”, anh Minh cho hay. Từ ngày nguồn nước bị ô nhiễm, mỗi lúc tiếp xúc với nước ở ruộng đồng, ao hồ vợ chồng anh Minh đều phải mang ủng chân, tay cẩn thận, xong việc phải dội nước cho sạch mới yên tâm. “Thời gian trước, sau khi báo chí vào cuộc phản ánh nhiều thì nguồn nước máy đã được kéo về cho bà con. Chúng tôi cũng mừng, nhưng mỗi lúc nấu ăn, đun nước uống cũng phải lọc qua thiết bị lọc mới dám dùng. Ở khu vực này, ngoài gia đình tôi còn khoảng trên 10 hộ dân ở ngay gần đầu nguồn xả nước thải bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó đau đầu nhất là về đời sống sinh hoạt và canh tác nông nghiệp, chăn nuôi”, anh Minh lo lắng nói.
Lo ngại bệnh tật
Cùng cảnh ngộ, khoảng 80 hộ gia đình ở đội 3, thôn Hà Thanh, xã Gio Châu sinh sống gần khu công nghiệp Quán Ngang ở phía trên Quốc lộ 1A nhiều năm qua cũng gánh chịu hậu quả từ việc ô nhiễm bởi nước thải của khu công nghiệp này. Bà Hoàng Thị Mãi, đội 3, thôn Hà Thanh vừa bơm nước đổ vào bể lắng lọc để dùng nấu cơm lo lắng nói: “Ở đây chưa có nước máy về nên hàng ngày chúng tôi phải ăn uống, sinh hoạt bằng nước giếng bơm. Tuy nhiên nước giếng bơm ở đây cũng bị nhiễm phèn, đặc biệt mấy năm nay còn bị ảnh hưởng bởi nguồn nước thải của khu công nghiệp nên ô nhiễm hơn.
Thời gian gần đây nguồn nước ở đây xuất hiện màu vàng xanh, mùi hôi gắt rất khó chịu. Nhiều trẻ em cũng bị ho hen, viêm phế quản, khó thở. Chúng tôi rất lo ngại cho sức khỏe và bệnh tật nếu tình trạng ô nhiễm nguồn nước vẫn tiếp diễn”. Để đảm bảo sức khỏe, các gia đình phải mua nước đóng bình về để trong nhà dùng dần. “Mỗi tháng bình quân mỗi gia đình phải bỏ tiền mua cả chục bình nước đóng bình để uống, nhà nào khá thì dùng để nấu ăn. Trước mắt mong nhà nước đầu tư hệ thống nước sạch để chúng tôi yên tâm sinh hoạt”, bà Mãi nêu mong muốn. Nhiều người dân sống trong khu vực cho biết thêm, những năm qua nhiều diện tích đồng ruộng, ao hồ vì bị ô nhiễm nặng nên không thể canh tác, nuôi trồng được đành bỏ hoang.
Ngoài ra, tình trạng cỏ cây, các loài thủy sinh trong ao hồ, kênh rạch thỉnh thoảng lại bị chết hàng loạt khiến họ hết sức hoang mang, lo lắng. Ông Đoàn Văn Hữu, đội 3, thôn Hà Thanh nói rằng từ khi khu công nghiệp đi vào hoạt động thì cuộc sống sinh hoạt cũng như canh tác nông nghiệp của người dân ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đảo lộn hoàn toàn. Ảnh hưởng bởi khói bụi, nguồn nước ô nhiễm nên nhiều người già, trẻ em bị ho hen, khó thở, viêm phế quản; người đi làm đồng thì bị phồng rộp, nổi mẩn ngứa tay chân… “Nếu không có sự giám sát, chấn chỉnh tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý, không đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường ở khu công nghiệp thì trong tương lai thế hệ con em chúng tôi sẽ không thể sống yên ổn, sức khỏe chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt để xử lý tình trạng trên, trả lại môi trường sống trong lành để chúng tôi yên tâm sinh sống, sản xuất và đảm bảo sức khỏe”, ông Hữu cho biết.