Từ ngày 11-13/9, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phối hợp tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018. Đây là hội nghị quan trọng, thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo quốc tế và khu vực, trong đó có Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Nhân dịp này, nhóm phóng viên TTXVN tại Lào đã phỏng vấn Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Lào, ông Boviengkham Vongdara, một trong số thành viên của đoàn sẽ tới Việt Nam tham dự Diễn đàn, về ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện quan trọng này.
Tại cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Vongdara đã nhấn mạnh WEF ASEAN được tổ chức tại Việt Nam là một sự kiện quan trọng và là diễn đàn để lãnh đạo các nước ASEAN trao đổi về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), một chủ đề nóng đang được các nước hết sức quan tâm. Chính phủ Lào đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam chủ trì tổ chức hội nghị lần này, cũng như tầm quan trọng của WEF ASEAN. Bộ trưởng Vongdara cũng cho biết Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith sẽ cùng đoàn gồm một số bộ trưởng tham dự để trao đổi, rút kinh nghiệm, đồng thời để lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các diễn giả. Ông nhấn mạnh việc Thủ tướng Lào tham dự WEF ASEAN cho thấy Lào rất coi trọng ý nghĩa và tầm quan trọng của Diễn đàn.
Đánh giá về những chủ đề cũng như những nội dung sẽ được thảo luận tại WEF ASEAN 2018, Bộ trưởng Vongdara cho biết Diễn đàn lần này sẽ đề cập tới nhiều chủ đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội của ASEAN, với việc áp dụng các thành quả của khoa học công nghệ vào cuộc sống như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), lĩnh vực chuỗi số (Blockchain), lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ hiện đại khác nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội. Theo ông, đây là những chủ đề có ý nghĩa rất quan trọng và hết sức cần thiết đối với đất nước Lào.
Thông qua WEF ASEAN lần này, Bộ trưởng Vongdara cho biết Lào hy vọng lãnh đạo các quốc gia ASEAN sẽ có nhiều cơ hội trao đổi ý kiến về việc sử dụng công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước. Theo ông, tại Diễn đàn lần này, Lào sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp và rút kinh nghiệm để học hỏi từ Việt Nam cũng như các nước ASEAN trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ 4.0 vào phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Diễn đàn lần này cũng là cơ hội để các quan chức của Lào được gặp gỡ với các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các tổ chức quốc tế quan trọng, để tiếp tục trao đổi và học hỏi kinh nghiệm về việc sử dụng khoa học-công nghệ trong phát triển kinh tế-xã hội.
Về tầm quan trọng của cuộc cách mạng 4.0, Bộ trưởng Vongdara đánh giá cuộc cách mạng này là quá trình tiến hóa khách quan và tất yếu. Do đó, tất cả các nước đều phải tham gia để áp dụng thành quả của khoa học-công nghệ vào phát triển kinh tế-xã hội của nước mình, song mỗi quốc gia sẽ có khả năng thích nghi khác nhau. Ông Vongdara thừa nhận việc chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể gặp phải khó khăn hơn so với các nước đã phát triển, song giới chức Lào đều hy vọng với sự hợp tác giữa các quốc gia trong ASEAN, như hợp tác chặt chẽ giữa Lào và Việt Nam, việc áp dụng công nghệ của Lào trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thành công. Bộ trưởng Vongdara lưu ý điều quan trọng là bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, nhận thức về cuộc cách mạng 4.0, đồng thời phải có sự chuẩn bị về mặt pháp lý, luật định để điều chỉnh các điều luật cho phù hợp trong việc áp dụng công nghệ trong thời kỳ công nghiệp 4.0. Ngoài ra, ông cũng đặc biệt nhấn mạnh Lào cần phải có sự chuẩn bị phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh nguồn nhân lực hiện có của Lào được đào tạo trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Do đó, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Lào phải có nguồn nhân lực mới, có năng lực trình độ trong việc sử dụng công nghệ của cách mạng 4.0.
Về triển vọng hợp tác giữa hai Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Lào trong thời gian tới, đặc biệt là trong việc triển khai cuộc cách mạng 4.0, Bộ trưởng Vongdara nhấn mạnh Lào và Việt Nam là hai nước anh em, bạn hữu chiến lược, có tình đoàn kết đặc biệt và tình hữu nghị vĩ đại do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã cùng nhau xây dựng và được các thế hệ lãnh đạo của hai nước vun đắp. Trong thời kỳ đấu tranh cứu nước, Lào và Việt Nam vẫn luôn giúp đỡ nhau và hiện trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, các thế hệ trẻ của hai nước cũng luôn hợp tác với nhau. Ví dụ như trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, hai Bộ Khoa học và Công nghệ Lào và Việt Nam hiện đang hợp tác với nhau rất chặt chẽ. Trong 6 năm qua, kể từ ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ Lào, hai Bộ đã ký kết biên bản hợp tác trong dài hạn đối với nhiều lĩnh vực, như phát triển nguồn nhân lực; áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất; xây dựng luật; xây dựng chính sách, chiến lược về khoa học-công nghệ. Đồng thời, hai bên cũng đã cùng nhau tiến hành trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi các đoàn chuyên môn để đi tập huấn và có dự án hợp tác nghiên cứu.
Cũng theo Bộ trưởng Vongdara, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ hai nước đã phối hợp tổ chức Diễn đàn xúc tiến chuyển giao công nghệ tại Trung tâm tập huấn ở thủ đô Vientiane. Diễn đàn đã giúp Lào có thể tiếp nhận được nhiều công nghệ mới trong nhiều lĩnh vực và hai bên đã ký kết với nhau hơn 10 Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đặc biệt, đầu năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa bàn giao cho Bộ Khoa học Công nghệ Lào Dự án Trung tâm tập huấn bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam, trị giá trên 5 triệu USD. Trung tâm tập huấn này giúp Lào không chỉ trong phát triển nguồn nhân lực, mà còn là nơi chuyển giao công nghệ và là trung tâm hợp tác nghiên cứu giữa hai nước. Bộ trưởng Vongdara bày tỏ tin tưởng với sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ, phía Lào sẽ học hỏi các bạn hữu Việt Nam được nhiều công nghệ mới, giúp cho lĩnh vực khoa học-công nghệ của Lào ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Vongdara cũng gửi lời cảm ơn tới Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam anh em, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã luôn ủng hộ và giúp đỡ Lào trong phát triển khoa học-công nghệ, qua đó thực hiện thành công sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội X mà Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đề ra.
(theo TTXVN)