Hơn 40 nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, sẽ tham dự một hội nghị nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO, kể từ ngày 10/6, tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ.
Các đại biểu tham dự hội nghị sẽ thảo luận về tương lai của việc làm và vấn đề quấy rối trong môi trường làm việc.
Hội nghị do nước chủ nhà Thụy Sĩ chủ trì, sẽ kéo dài tổng cộng 12 ngày và thông qua một tuyên bố chung trước nhiều thách thức.
Trong 12 ngày diễn ra hội nghị, Đại sứ Thụy Sĩ Jean-Jacques Elmiger, được thăng cấp Bộ trưởng trong thời điểm diễn ra cuộc họp, dự kiến sẽ chủ trì sự kiện.
Tổ chức Lao động Quốc tế đã chuẩn bị từ vài năm nay để có thể ra Tuyên bố nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập ILO.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder khẳng định Tuyên bố nhân dịp 100 năm thành lập ILO sẽ ngắn gọn và mang tính chính trị.
[Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của ILO là cần thiết]
Người đứng đầu ILO cũng chờ đợi những cuộc đàm phán khó khăn liên quan đến tuyên bố này.
Tuy không mang tính ràng buộc, tuyên bố sẽ thiết lập một khuôn khổ cho Tổ chức ILO, các nhà nước, những người sử dụng lao động, các công đoàn và người lao động trong những thập kỷ tiếp theo.
Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh: "Ảnh hưởng của tuyên bố sẽ phụ thuộc vào việc sử dụng văn bản này."
Theo ông Guy Rider, tuyên bố sẽ phải trả lời các câu hỏi mà công nghệ mới đặt ra cho thị trường lao động, nhất là các nền tảng kỹ thuật số như Uber, và cả các câu hỏi đặt ra bởi vấn đề biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa và gia tăng dân số.
Như là triệu chứng của các vấn đề nêu trên, kết quả các cuộc bầu cử châu Âu gần đây và các tình hình khác trên thế giới cho thấy sự không hài lòng của người dân, “những người đang cần các giải pháp,” cũng theo Tổng Giám đốc ILO.
Tổng Giám đốc Guy Rider cũng nói thêm: "Nếu bạn là tài xế xe buýt ở Geneva và bạn biết rằng những chiếc xe tự lái sẽ xuất hiện trong 2 hoặc 3 năm nữa, chắc chắn bạn sẽ nêu ra những câu hỏi quan trọng."
Cũng theo ông Guy Rider, sự hiện diện của nhiều nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu các chính phủ tại hội nghị này cho thấy tầm quan trọng của sự kiện.
Ngoài Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng sẽ tới tham dự hội nghị vào ngày 11/6.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Italy Sergio Mattarella sẽ phát biểu tại hội nghị vào ngày 10/6.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, dự kiến sẽ dự hội nghị vào ngày 21/6, ngày bế mạc sự kiện.
Ngoài Tuyên bố nhân 100 năm thành lập ILO, các quốc gia thành viên cũng dự kiến công bố một Công ước mang tính ràng buộc và các khuyến nghị chi tiết chống lại bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc.
Tổng Giám đốc Guy Ryder cho biết bản thân ông tin tưởng vào Công ước này dù một số bên vẫn tỏ ra dè dặt, nhất là những người sử dụng lao động, muốn thiết lập những giới hạn rõ ràng hơn cho việc áp dụng Công ước./.
Hoàng Hoa (TTXVN/Vietnam+)