Ngày 31/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trao đổi về một số vấn đề còn tồn đọng giữa hai nước.
Theo Chính phủ Nhật Bản, tại cuộc điện đàm, lãnh đạo hai nước đã tái khẳng định cam kết tiếp tục các cuộc đàm phán song phương hướng tới việc ký kết hiệp định hòa bình, vốn đang bị cản trở do vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Thủ tướng Abe cũng đồng thời giải thích lý do ông tuyên bố từ chức và bày tỏ hy vọng trong tương lai, hai nước sẽ tổ chức các cuộc đối thoại tích cực hướng tới việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Về phần mình, Tổng thống Putin đã đánh giá cao những nỗ lực to lớn của Thủ tướng Abe trong dỡ bỏ các rào cản thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Bất đồng giữa Nga và Nhật Bản đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ liên quan tới 4 hòn đảo mà Moskva gọi là Nam Kuril, trong khi Tokyo gọi là "Lãnh thổ phương Bắc". Tranh chấp lãnh thổ tại các hòn đảo này đã khiến hai nước không thể ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Lãnh đạo hai nước đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp này, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được đột phá.
[Nga trả tự do cho tàu cá Nhật Bản bị bắt tại vùng biến tranh chấp]
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của ông Abe với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ sau quyết định từ chức vì lý do sức khỏe. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật đã thảo luận về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc tại Triều Tiên những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thủ tướng Abe khẳng định liên minh giữa hai nước sẽ vẫn duy trì kể cả sau khi ông từ chức.
Ngày 28/8 vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định từ chức vì lý do sức khỏe sau khi được ghi danh là thủ tướng có thời gian tại nhiệm liên tục lâu nhất Nhật Bản với 2.799 ngày cầm quyền liên tiếp. Theo kế hoạch, ngày 14/9 tới, đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền sẽ tiến hành bầu chủ tịch mới, người sau đó sẽ được Quốc hội bầu để giữ chức thủ tướng. Người đứng đầu chính phủ mới tại Nhật Bản sẽ đối mặt với không ít khó khăn khi phải xử lý rất nhiều vấn đề như khống chế dịch COVID-19, vực dậy nền kinh tế đang suy thoái, giải quyết vấn đề già hóa dân số, cũng như hàng loạt vấn đề đối ngoại khác.../.
(TTXVN/Vietnam+)