Du lịch biển sôi động trở lại
Một năm sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, các hoạt động kinh doanh dịch vụ và nghỉ dưỡng ở các bãi tắm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã nhộn nhịp trở lại. Tại các bãi tắm Cửa Việt, Gio Hải, Trung Giang (Gio Linh), Cửa Tùng (Vĩnh Linh), Triệu An (Triệu Phong), Mỹ Thủy (Hải Lăng) những ngày đầu tháng 4 đã có rất nhiều đoàn khách về hóng mát, tắm biển và thưởng thức hải sản. Thống kê ban đầu cho thấy, bình quân mỗi bãi tắm như Cửa Tùng (Vĩnh Linh), Mỹ Thủy (Hải Lăng) đón 3.000 khách/ngày. Những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua ở tỉnh Quảng Trị thời tiết nắng nóng, thuận lợi cho du khách về tắm biển, thưởng thức hải sản. Bãi tắm Cửa Việt ước tính có khoảng 7.000 - 8.000 lượt khách/ngày trong dịp lễ. Điều này chứng tỏ biển đã trong lành và du lịch biển tại Quảng Trị đã hồi sinh.
|
Du khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng tại bãi tắm Cửa Việt
|
Tại bãi tắm Cửa Tùng, tuy số lượng khách không nhiều như ở bãi tắm Cửa Việt nhưng vẫn đông khách mỗi ngày. Bà Nguyễn Thị Liễu, Trưởng BQL bãi tắm Cửa Tùng cho biết, để đón đầu việc khai thác dịch vụ du lịch biển ngay từ đầu tháng 4/2017, UBND huyện đã tổ chức khai trương mùa du lịch biển Cửa Tùng năm 2017. Ngoài bãi tắm Cửa Tùng đẹp nổi tiếng thì ở Vĩnh Linh có gần 40 km chiều dài bờ biển rất thuận lợi cho việc tổ chức các tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hoang sơ và thơ mộng. Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, mỗi ngày bãi tắm Cửa Tùng đón khoảng 2.000 khách. Đặc biệt ở khu nghỉ dưỡng Sepon Boutique ở Cửa Việt, lượng khách đến khá đông, tất cả 48 phòng đã có khách lưu trú trong những ngày nghỉ lễ vừa qua. Ở các khách sạn tại thành phố Đông Hà, công suất phòng khai thác đạt 95%/ngày.
Hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu du lịch biển
Tuy là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch biển nhưng có một thực tế dễ nhận ra đó là kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch biển của Quảng Trị chưa được quan tâm đầu tư hoàn thiện; các hoạt động kinh doanh dịch vụ còn nhiều bất cập. Đây chính là những trở ngại không nhỏ đối với ngành du lịch của tỉnh. Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư xây dựng công trình hạ tầng khu du lịch Cửa Việt có diện tích 141ha, tổng kinh phí 153 tỷ đồng. Công trình bao gồm các hạng mục như hệ thống đường giao thông vào khu vực hai bãi tắm và khu nhà ở trên diện tích 10 ha...
Sau khi công trình hoàn thành cùng với hạ tầng khu du lịch Cửa Tùng đã thu hút 20 dự án đầu tư với tổng diện tích đất 180 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 3.500 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án lớn như Khu du lịch sinh thái biển Cửa Việt của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Hà, Khu du lịch Cửa Tùng Resort của Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch và Thương mại Cửa Tùng, Khu nghỉ mát Phú Hoa của Công ty cổ phần Phú Hoa, Khu khách sạn nghỉ dưỡng của Ngân hàng Công Thương Việt Nam, Khu dịch vụ du lịch Resort Cửa Việt của Công ty TNHH Phong Châu, Resort Laguna của Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Sao Bắc…
Với quy mô của các tổ hợp tham quan nghỉ dưỡng và hệ thống khách sạn, nhà hàng của các dự án nếu được triển khai xây dựng sẽ cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch dọc bãi biển kéo dài từ Cửa Tùng đến Cửa Việt. Tuy nhiên một thực tế đáng buồn là cho đến nay nhiều công trình đã được cấp phép xây dựng gần 10 năm vẫn chưa được chủ đầu tư quan tâm hoàn thiện. Một số công trình xây dựng nham nhở, dở dang tạo hình ảnh phản cảm mỗi khi du khách có dịp đi qua đây. Khách du lịch có nhu cầu ngủ nghỉ, sinh hoạt lại thiếu cơ sở phục vụ trong khi đó nhiều công trình “đắp chiếu” chiếm một diện tích đất lớn nhưng người dân địa phương lại thiếu đất sản xuất. Về tổng thể các khu du lịch ở Quảng Trị chưa được xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng sẽ là một trở ngại lớn trong việc thu hút du khách. Bên cạnh đó, hình thức kinh doanh dịch vụ du lịch biển còn nhỏ lẻ, manh mún.
Không gian hàng quán ở các bãi tắm hầu hết chưa được đầu tư xây dựng quy mô, bài bản. Cơ chế hoạt động của các chủ kinh doanh dịch vụ đều thông qua hình thức đấu thầu lô quầy ngắn hạn. Do đó các chủ quán chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng lô quầy khang trang cũng như mua sắm trang thiết bị phục vụ du khách. Bên cạnh sự nhếch nhác của hệ thống lô quầy thì vấn đề vệ sinh môi trường biển ở đây cũng đáng báo động. Nếu có dịp đi dọc bãi tắm Cửa Tùng, Cửa Việt hoặc bất kỳ bãi tắm ở Quảng Trị thì rất dễ nhận ra tình trạng rác thải vứt bỏ một cách bừa bãi. Rác thải sinh hoạt, rác thải trôi nổi từ biển dạt vào các bãi tắm mà không có người dọn dẹp. Chứng kiến cảnh tượng này nhiều lần tôi tự hỏi tại sao các hộ kinh doanh dịch vụ địa phương lại không học cách làm du lịch ở các tỉnh bạn, trong đó quan trọng nhất là môi trường. Nếu ai đã từng đến bãi biển Đà Nẵng, đi dọc bờ biển là nghe tiếng loa kêu gọi du khách giữ gìn vệ sinh môi trường. Nghiêm khắc hơn, BQL bãi tắm còn đưa ra hình thức xử phạt nếu bắt gặp du khách vứt rác bừa bãi. Còn ở các bãi tắm Quảng Trị rác thải ô nhiễm là nỗi ám ảnh của du khách khi dừng chân nghỉ dưỡng ở đây.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch
Với tiềm năng du lịch biển dồi dào và hết sức phong phú như ở Quảng Trị thì vấn đề đặt ra là phải huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao kỹ năng khai thác dịch vụ du lịch để Quảng Trị trở thành điểm đến ưa thích của du khách. Được biết hiện nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển du lịch chỉ chiếm 10-15%, do đó nguồn vốn đầu tư cho cơ sở vật chất, quảng bá xúc tiến du lịch chủ yếu là vốn doanh nghiệp, vốn xã hội hóa và vốn đầu tư nước ngoài chiếm 85-90%. Trong đề án tổng thể phát triển du lịch Quảng Trị đến năm 2020 dự kiến đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, Quảng Trị sẽ thu hút 370.000 lượt khách quốc tế và 2 triệu lượt khách nội địa; năm 2030 thu hút 740.000 lượt khách quốc tế, 3,5 triệu lượt khách nội địa.
Phấn đấu năm 2020, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 178 triệu USD, năm 2030 là 607 triệu USD nhằm tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo tại các địa phương. Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Trị cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để mời gọi các nhà đầu tư, thương gia, khách du lịch đến đầu tư, làm ăn và tham quan, nghỉ dưỡng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: “Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung đầu tư một số dự án phát triển Khu du lịch biển Cửa Việt, Cửa Tùng...
Trong đó phải đẩy nhanh tiến độ Khu du lịch-dịch vụ Cửa Việt, hoàn thiện cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí; chú trọng xây dựng các tour du lịch biển, du lịch mạo hiểm bằng tàu lượn, ca nô để làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch biển đáp ứng nhu cầu của du khách. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác quảng bá về tiềm năng, thế mạnh về du lịch biển Quảng Trị để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài và thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước”. Có như vậy, Quảng Trị mới khai thác hết mọi tiềm năng thế mạnh của “ngành công nghiệp không khói”, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Hồ Nguyên Kha