Lạm phát tại Italy tăng cao lên mức kỷ lục trong năm 2022 

Tính chung trong cả năm 2022, lạm phát tại Italy tăng trung bình 8,1% so với năm 2021 - mức cao nhất ở nước này kể từ khi đồng tiền chung châu Âu (đồng euro) ra đời vào năm 1999.
Lạm phát tại Italy tăng cao lên mức kỷ lục trong năm 2022

Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) ngày 17/1 cho biết lạm phát ở nước này trong năm 2022 đã tăng kỷ lục.

Tính chung trong cả năm 2022, lạm phát tại Italy tăng trung bình 8,1% so với năm 2021 - mức cao nhất ở nước này kể từ khi đồng tiền chung châu Âu (đồng euro) ra đời vào năm 1999. Trong năm 2021, lạm phát của nước này chỉ tăng 1,9%.

Giá cả tăng thậm chí còn tăng mạnh hơn trong tháng 12/2022 với mức tăng 11,6% so với tháng 12/2021 và hai tháng trước đó ghi nhận mức tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

[Lạm phát tại Italy năm 2022 cao kỷ lục trong vòng 37 năm qua]

Theo ISTAT, nguyên nhân chính là do chi phí năng lượng tăng cao hơn bắt nguồn từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Mặc dù chi phí năng lượng leo thang đã tác động trên toàn Liên minh châu Âu (EU) và nhiều khu vực khác, song vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Italy bởi nước này phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga.

Italy cũng là nước xuất khẩu lớn thứ hai trong EU. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chi phí sản xuất và vận chuyển tăng cao hơn.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu Italy Confesercenti, giá cả tăng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người nghèo ở nước này khi phần lớn thu nhập của họ phải trả chi phí năng lượng và các sản phẩm khác nhạy cảm với lạm phát. Ước tính, các hộ gia đình nghèo ở Italy chịu mức lạm phát 16%.

Confesercenti ước tính ngay cả khi giá năng lượng ổn định, lạm phát ở nước này trong năm 2023 sẽ cao hơn tới 150% so với năm 2009. Confesercenti kêu gọi chính phủ hỗ trợ lâu dài cho các gia đình nghèo và các công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế sử dụng nhiều năng lượng.

Theo dữ liệu của ISTAT, giá năng lượng vào cuối năm 2022 cao hơn 63,3% so với một năm trước đó, mức tăng cao nhất đến nay trong rổ hàng hóa được theo dõi để tính tỷ lệ lạm phát.

Giá vận chuyển cũng tăng 6,0%, thực phẩm chưa chế biến tăng 9,5% và thực phẩm chế biến tăng 14,9%. Tính trung bình, giá năng lượng nói chung trong năm 2022 cao hơn 50,9% so với năm 2021.

Lần gần đây nhất Italy ghi nhận mức giá tăng mạnh như vậy là vào năm 1985, khi nước này vẫn sử dụng đồng lira và tỷ lệ lạm phát trung bình hằng năm là 9,2%./.

Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)

 

143 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 872
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 872
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87182521