Lạm phát Mỹ hạ nhiệt ảnh hưởng đến lãi suất như thế nào? 

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service nhận xét, tốc độ tăng lãi suất chậm hơn sẽ giúp Fed có thời gian đánh giá tác động kinh tế đầy đủ của chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến nay.
Lạm phát Mỹ hạ nhiệt ảnh hưởng đến lãi suất như thế nào?

Lạm phát tăng chậm lại và lĩnh vực bất động sản hạ nhiệt đang làm dấy lên kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) có thể chỉ tăng lãi suất nhẹ trong tuần tới, khi các nhà hoạch định chính sách đánh giá những nỗ lực hiện tại nhằm kiềm chế đà tăng giá tiêu dùng.

Năm 2022, khi lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, Fed đã tăng lãi suất 7 lần trong một chiến dịch tích cực nhằm hạ nhiệt nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kể từ đó, lĩnh vực bất động sản nhạy cảm với lãi suất đã suy yếu nhanh chóng, doanh số bán lẻ sụt giảm và tăng trưởng tiền lương bắt đầu chậm lại. Điều đó khiến một số nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng có thể đã đến lúc giảm tốc độ tăng lãi suất nhiều hơn.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service nhận xét, tốc độ tăng lãi suất chậm hơn sẽ giúp Fed có thời gian đánh giá tác động kinh tế đầy đủ của chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến nay.

Các thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào cuộc họp ngày 31/1-1/2, đưa lãi suất cho vay lên 4,5-4,75%. Vào tháng 12/2022, Fed công bố mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, thấp so với bốn lần tăng 75 điểm cơ bản trước đó.

Chuyên gia Rubeela Farooqi của công ty nghiên cứu kinh tế và tư vấn High Frequency Economics (Mỹ) cho rằng các quan chức Fed đã nhìn thấy những tác động mong muốn của chính sách thắt chặt tiền tệ, và họ không muốn tiếp tục đẩy mạnh (chính sách đó) cho đến khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.

[Mỹ ưu tiên giải quyết lo ngại của EU liên quan Đạo luật Giảm lạm phát]

Tuy nhiên, báo cáo của Moody's cảnh báo rằng cuộc chiến lạm phát còn cần nhiều thời gian mới đạt được thắng lợi. Mặc dù nhu cầu dường như đang ở mức vừa phải và tình trạng gián đoạn nguồn cung đã giảm bớt, nhưng tiêu dùng vẫn mạnh hơn dự kiến. Điều này ngăn lạm phát giảm nhanh hơn và cho thấy mức lãi suất "đỉnh" ước tính vẫn chưa chắc chắn.

Theo nhà phân tích Madhavi Bokil của Moody's, để lạm phát giảm xuống mức mục tiêu của Fed, thị trường lao động có thể cần "hạ nhiệt" - thể hiện qua việc tốc độ tuyển dụng chậm hơn và ít vị trí tuyển dụng hơn.

Tốc độ tăng lương dường như không làm tăng lạm phát, nhưng góp phần thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng khi các hộ gia đình bắt đầu rút dần tiền tiết kiệm được trong thời kỳ đại dịch. Mức tăng lương vẫn khá cao trong năm ngoái, do các nhà tuyển dụng không muốn sa thải những lao động mà họ có thể đã phải vật lộn để tìm kiếm kể từ sau đại dịch, khiến thị trường lao động trở nên thắt chặt hơn.

Mặt khác, thực tế là thị trường lao động không sụt giảm do chính sách tiền tệ thắt chặt. Điều đó mang lại kỳ vọng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh mềm," khi lạm phát giảm mà không gây ra tình trạng mất việc làm đáng kể hoặc suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Chuyên gia Ian Shepherdson của công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics cho biết, không ai cho rằng tiến trình "hạ cánh mềm" là dễ dàng, nhưng về cơ bản nếu Fed ngừng tăng lãi suất sớm thì nguy cơ suy thoái nghiêm trọng là khá nhỏ. Nếu Fed tăng lãi suất quá lâu, nguy cơ suy thoái nghiêm trọng và "không cần thiết."

Cho dù Fed có thể muốn chắc chắn rằng lạm phát đã được kiểm soát, việc đưa lạm phát xuống dưới mức mục tiêu 2% và khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ chỉ cho thấy sự thất bại về mặt chính sách./.

Mai Ly (TTXVN/Vietnam+)

 

147 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1011
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1011
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87187256