Lạm phát liên tục gia tăng tại khu vực Eurozone 

(ĐCSVN) – Số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu vừa công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2021 trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1997 khi các dữ liệu liên quan được thu thập.
Lạm phát liên tục gia tăng tại khu vực Eurozone

Tỷ lệ lạm phát trong tháng 12/2021 tiếp đà tăng của tháng trước đó là 4,9%. Giá cả leo thang trong những tháng gần đây chủ yếu là do giá năng lượng tăng vọt. Giá năng lượng đã tăng 26% trong tháng vừa qua. Giá thực phẩm trong tháng trước đã tăng lên 3,2% từ mức 2,2% hồi tháng 11/2021, trong khi giá hàng hóa tăng 2,9% và dịch vụ tăng 2,4%.

Những con số nêu trên cao hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra đối với khu vực Eurozone.

Tại khu vực này, lạm phát đặc biệt cao ở Estonia với 12% trong tháng 12/2021, tăng so với mức 8,8% của tháng trước đó. Litva ghi nhận mức lạm phát ở mức 10,7%. Tỷ lệ lạm phát cũng đáng lo ngại tại các nền kinh tế lớn trong Eurozone khi Tây Ban Nha ghi nhận mức lạm phát 6,7%; Bỉ 6,5%; Hà Lan 6,4%; Đức là 5,7%...

Theo Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis), năm 2021, lạm phát tại nước này đã tăng cao nhất tính từ năm 1993 đến nay. Theo đó, tính trung bình cả năm 2021, lạm phát của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là 3,1%.

Destatis cho biết, lạm phát của Đức đã tăng đều đặn kể từ đầu năm, một phần là do việc áp dụng thuế carbon và kết thúc đợt cắt giảm thuế VAT kéo dài 6 tháng cuối năm 2020 nhằm giảm thiểu những thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Năm ngoái, Chính phủ liên bang Đức đã quyết định giảm thuế VAT nửa cuối năm với 2 mức tương ứng từ 19% xuống còn 16% và từ 7% xuống 5%.

ECB cho rằng, lạm phát cao đột biến vào dịp cuối năm chỉ là hiện tượng nhất thời, cho nên cơ quan này hầu như giữ nguyên chính sách tiền tệ và lãi suất.

Tuy nhiên, không chỉ với Eurozone, lạm phát đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại châu Mỹ, châu Á và hầu hết các thị trường mới nổi, lạm phát hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Hiện tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đang cao gấp 2 lần mức mục tiêu 2% mà Cục Dữ trữ Liên bang (FED) đề ra. Lạm phát leo thang có thể khiến FED thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến.

Theo số liệu thống kê, lạm phát tại Mỹ tăng là do giá cả tăng mạnh ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế nước này, và tăng mạnh chủ yếu trong ngành năng lượng và thực phẩm.

Trong một phát biểu, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, khi nền kinh tế tiếp tục mở cửa trở lại, sự thay đổi về nhu cầu có thể lớn và nhanh chóng, và những trở ngại, khó khăn trong tuyển dụng cũng như các ràng buộc khác có thể tiếp tục hạn chế mức độ điều chỉnh nhanh chóng của nguồn cung khiến khả năng lạm phát có thể trở nên cao hơn và dai dẳng hơn.

Tại cuộc họp tháng 12/2021, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cho biết, các quan chức FED đã dự đoán sẽ có ba đợt nâng lãi suất thêm 0,25% vào năm 2022 nhằm hỗ trợ đà phục hồi nền kinh tế.

Cũng trong tháng 12/2021, FED thông báo sẽ thu hẹp chương trình mua tài sản với tốc độ nhanh hơn so với mức nêu ra tại cuộc họp hồi vào đầu tháng 11, viện dẫn rủi ro gia tăng vì lạm phát leo thang. Theo đó, FED sẽ giảm mỗi tháng 15 tỷ USD trong quy mô của chương trình, bao gồm giảm 10 tỷ USD đối với việc mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ và 5 tỷ USD đối với việc mua vào trái phiếu đảm bảo bằng nợ địa ốc./.

 
H.Hà (Theo Reuters, Financial Times)
271 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1421
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1421
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88997874