Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tình hình tài chính của các trường đại học quốc gia Nhật Bản đang “đến giới hạn.”
Đây là lời cảnh báo trong một tuyên bố chưa từng có do Hiệp hội các trường đại học quốc gia Nhật Bản (JANU) đưa ra ngày 7/6.
Chủ tịch JANU Kyosuke Nagata nhấn mạnh: “Đây có thể là lần đầu tiên chúng tôi sử dụng từ ‘giới hạn.’ Chúng tôi nêu lên những khó khăn của mình và muốn mô tả tình hình thực sự nghiêm trọng mà chúng tôi đang phải đối mặt.”
Báo cáo thường niên của JANU thường được công bố vào tháng Bảy trước khi đàm phán ngân sách với chính phủ, nhưng năm nay báo cáo được công bố trước khi xây dựng các hướng dẫn ngân sách và các vấn đề chính sách quan trọng của chính phủ cho tài khóa tiếp theo.
Báo cáo chỉ ra rằng ngoài việc trợ cấp của chính phủ để hỗ trợ tài chính cho các trường đại học quốc gia bị cắt giảm, lạm phát cao đã khiến ngân sách của họ bị thu hẹp hơn nữa.
Bất chấp những nỗ lực nhằm tăng nguồn thu, bao gồm cả nguồn tài trợ bên ngoài như quyên góp, tuyên bố của JANU nhấn mạnh rằng các trường đang gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính.
Học phí của các trường đại học quốc gia được Bộ Giáo dục Nhật Bản quy định ở mức “tiêu chuẩn” là 535.800 yen (khoảng 3.400 USD)/năm. Mỗi trường đại học được phép tăng mức này lên tới 20% theo điều kiện của mình.
Kể từ khi thành lập các trường đại học quốc gia vào năm 2004, mức tiêu chuẩn này không thay đổi, trong khi trợ cấp hoạt động đã giảm do tỷ lệ sinh giảm và khó khăn tài chính của Nhật Bản.
Trong năm học 2024, tổng số tiền trợ cấp là 1.078 tỷ yen (khoảng 6,88 tỷ USD), giảm 13% so với năm học 2004.
Kể từ năm 2019, nhiều trường đại học đã tăng học phí lên trên mức tiêu chuẩn và hiện tại, 7 trường đại học ở khu vực thủ đô Tokyo, bao gồm Viện Công nghệ Tokyo, Đại học Nghệ thuật Tokyo và Đại học Hitotsubashi, đã điều chỉnh mức học phí của họ.
Tháng Năm vừa qua, có thông tin tiết lộ rằng Đại học Tokyo đang xem xét việc tăng học phí, dẫn đến sự phản đối của sinh viên và giảng viên.
Chủ tịch Nagata kêu gọi tăng trợ cấp hoạt động, đồng thời cũng tuyên bố rằng quyết định tăng học phí lên tới 20% phải tùy theo tình hình thực tế của mỗi trường đại học.
Theo ông, các trường đại học quốc gia ở các địa phương đã phản đối mạnh mẽ với lý do “mức thu nhập hoàn toàn khác với khu vực thành thị nên không thể tăng học phí”./.
Việc đăng ký tham gia chương trình hưu trí sẽ tạo nền tảng kinh tế cho người nước ngoài tiếp tục sống ở Nhật Bản khi về già.