Trong thông điệp được đưa ra, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Irina Bokova cho biết: “Các dân tộc bản địa có và duy trì nền văn hóa độc đáo và liên kết tuyệt vời với môi trường thiên nhiên. Họ là hiện thân cho một cái chảo khổng lồ của sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa của nhân loại chung của chúng ta. Bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của họ là để bảo vệ các quyền của tất cả mọi người và tôn trọng linh hồn của nhân loại, quá khứ và tương lai”.
Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền của các dân tộc bản địa được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13/9/2007, là công cụ quốc tế toàn diện nhất về các quyền cơ bản của những người dân bản địa. Nó thiết lập một khuôn khổ toàn cầu các tiêu chuẩn tối cần thiết cho sự sống còn, nhân phẩm và hạnh phúc của các dân tộc bản địa.
Theo Liên hợp quốc, trong thập kỷ qua, mặc dù đạt được nhiều tiến bộ đáng kể ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế trong việc thực hiện Tuyên bố này song vẫn còn nhiều việc phải làm để thu hẹp khoảng cách giữa việc nhận thức được các quyền của người dân bản địa và thực hiện các chính sách tại địa phương.
Bà Irina Bokova cho biết khoảng 370 triệu người dân bản địa chiếm chưa đầy 5% dân số thế giới, nhưng lại chiếm tới 15% số người nghèo nhất. Những người dân bản địa đại diện cho 5.000 nền văn hóa khác nhau, nói đại đa số khoảng 7.000 ngôn ngữ trên thế giới. Mặc dù sự đa dạng của các nền văn hóa và vùng lãnh thổ trải rộng trên hơn 90 quốc gia song những người dân này lại phải đối mặt với những thách thức chung liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của mình như các dân tộc bị phân biệt.
Năm 2002, UNESCO đã phát động Hệ thống kiến thức địa phương và bản địa nhằm giúp các chính phủ tạo ra sức mạnh tổng hợp giữa kiến thức khoa học và hiểu biết của người dân bản địa. Sáng kiến này là một phần trong công việc đang được UNESCO tiến hành nhằm tăng cường thực hiện Tuyên bố của Liên hợp quốc, không chỉ vì hạnh phúc của người dân bản địa, mà còn vì hạnh phúc của toàn thể nhân loại.
Về phần mình, Tổng giám đốc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Guy Ryder đánh giá điều quan trọng hơn bao giờ hết thúc đẩy tiếng nói của những người phụ nữ bản địa và thúc đẩy trao quyền cho họ để bảo đảm một tương lai tốt hơn cho tất cả mọi người. "Những người phụ nữ bản địa nói chung là những người nghèo nhất trong số những người nghèo, nạn nhân của sự kỳ thị kép, vì họ là người bản địa và vì họ là phụ nữ" – ông Ryder nhấn mạnh.
Một báo cáo của ILO, được công bố tại kỳ họp lần thứ 16 của Diễn đàn Thường trực của Liên hợp quốc về các vấn đề bản địa tổ chức hồi tháng 4/2017 tại New York từng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc làm bền vững là trao quyền cho phụ nữ và nam giới bản địa. Những người phụ nữ bản địa vừa là lao động nữ, các doanh nhân và là những người gìn giữ kiến thức truyền thống, điều này mang đến cho họ một vị trí nổi bật trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường trong các cộng đồng và xã hội của họ./.
Khánh Linh