Đây là thông điệp cảnh báo được Hội nghị về Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) đưa ra trong báo cáo về Phát triển và Thương mại năm 2019, công bố ngày 25/9.

 

Theo báo cáo, ngay cả khi bỏ qua những rủi ro xấu nhất có thể xảy ra, dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 sẽ giảm xuống còn 2,3%, so với mức 3% trong năm 2018. Đây là mức thấp nhất ghi nhận được kể từ sau con số 1,7% trong cuộc đại suy thoái năm 2009.

 

UNCTAD cho rằng, những quan hệ căng thẳng về thương mại, những thay đổi trong lĩnh vực tiền tệ, các khoản nợ doanh nghiệp, nguy cơ Brexit không thỏa thuận và đường cong lợi suất đảo ngược đang phát đi nhiều tín hiệu cảnh báo, trong khi các nhà hoạch định chính sách dường như lại chưa chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để đón nhận những thách thức còn nằm ở phía trước.

 

Một số thể chế tài chính, gồm Cục Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương châu Âu mới đây đã tuyên bố cắt giảm lãi suất nhằm cải thiện tình hình. Tuy nhiên, bản báo cáo của Liên hợp quốc vẫn tỏ rõ một cách nhìn nhận “thiếu lạc quan” vào triển vọng thành công của các nỗ lực này. Qua đó, UNCTAD kêu gọi các nỗ lực tập trung vào việc thúc đẩy công ăn việc làm, tiền lương và đầu tư công để xóa bỏ nỗi ám ảnh của các nhà hoạch định chính sách về giá cổ phiếu, thu nhập theo quý và tạo dựng niềm tin trong giới đầu tư.

 

Báo cáo của UNCTAD dự báo tăng trưởng thương mại trong năm 2019 sẽ giảm mạnh do nhu cầu trên thế giới bị suy yếu, cộng với các hành động áp đặt thuế quan đơn phương của Mỹ. Cụ thể, mức tăng trưởng này sẽ giảm xuống gần chạm mức 2% trong năm 2019, so với con số 2,8% ghi nhận được trong năm ngoái.

 

Tuy nhiên, một vấn đề gây quan ngại hơn cả là đã 10 năm trôi qua kể từ cuộc đại suy thoái năm 2009, song nền kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh và bị “tài chính hóa quá mức”. Từ thực tế trên, báo cáo của UNCTAD kêu gọi thực hiện “một sự suy xét lại cơ bản” về mô hình kinh doanh thông thường đang khiến thế giới phải gánh chịu những khoản nợ kỷ lục.

 

Một vấn đề khác được nêu lên trong bản báo cáo, đó là các nỗ lực bảo vệ khí hậu đang cần đến một làn sóng đầu tư mới, năng lượng tái tạo cũng như những lĩnh vực phát thải các-bon khác. Từ đó, UNCTAD nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát minh ra các công nghệ các-bon thấp, để có thể triển khai và duy trì các công nghệ này trên phạm vi toàn cầu./.

Thu Lan (Theo Xinhua, New Straits Times, The Guardian)