Kinh tế Trung Quốc ghi nhận những số liệu đáng lo ngại 

Doanh số bán lẻ trong tháng 11 của Trung Quốc chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 4,9% của tháng trước đó và không cao như kỳ vọng của thị trường.
Kinh tế Trung Quốc ghi nhận những số liệu đáng lo ngại

Các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy chi tiêu tiêu dùng của người dân Trung Quốc trong tháng 11/2021 đã tăng thấp hơn dự báo, khiến giới phân tích cảnh báo sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 đang dấy lên lo ngại về đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo báo cáo mới nhất công bố ngày 15/12, Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết doanh số bán lẻ trong tháng 11 của nước này chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 4,9% của tháng trước đó và không cao như kỳ vọng của thị trường.

Tăng trưởng kinh tế trong quý 3/2021 chỉ đạt mức 0,2% so với quý trước đó, đánh dấu mức tăng thấp nhất kể từ giai đoạn suy giảm lịch sử của quý 1/2020. Nguyên nhân của tình trạng này là do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn và cuộc khủng hoảng năng lượng.

[Kinh tế Trung Quốc: Làm sao để hồi sinh từ khủng hoảng?]

Tăng trưởng đầu tư tài sản cố định cũng chậm lại và đạt mức 5,2% trong giai đoạn từ tháng 1-11/2021, với đầu tư bất động sản tăng 6% - giảm so với giai đoạn từ tháng 1-10/2021 giữa bối cảnh doanh số bán nhà giảm và các quy định tài chính bị siết chặt hơn.

Các nhà phân tích cho rằng nợ lương trong các lĩnh vực liên quan đến bất động sản, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, cũng có thể là nguyên nhân làm giảm chi tiêu tiêu dùng.

Tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị tăng nhẹ lên 5% trong tháng 11. Các nhà kinh tế cho rằng dịch COVID-19 vẫn là nguyên nhân chính cản trở sự phục hồi và giảm nhu cầu trên thị trường lao động.

Một điểm sáng trong tháng 11 vừa qua là sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo của thị trường nhờ tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất đã phần nào được khắc phục.

Trong những tháng gần đây, thiếu điện liên quan tới mục tiêu giảm khí thải, giá than tăng và thiếu nguồn cung nhiên liệu là những yếu tố đã tác động tới hoạt động sản xuất công nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ngay cả khi nguồn cung được cải thiện thì chi phí đầu vào chưa thể ngay lập tức giảm và nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu có thể cản trở tăng trưởng trong dài hạn.

Theo giới chuyên gia kinh tế, sự gia tăng các ca mắc mới COVID-19 hiện nay tại Trung Quốc và các biện pháp tăng cường phòng dịch của chính quyền dường như đã khiến người tiêu dùng thận trọng hơn, cũng như thị trường bất động sản đi xuống.

Số liệu mới đây cho thấy người dân đang hạn chế việc đi lại, trong khi có những tín hiệu bi quan về doanh số bán hàng thấp tương tự như đợt mua sắm giảm giá ảm đạm 1-11/11 vừa qua.

Chi tiêu của người tiêu dùng được dự báo có thể vẫn giảm trong những tháng tới, kể cả dịp Tết Nguyên Đán, trong khi chính quyền tại một số khu vực khuyến khích người dân hạn chế đi lại không cần thiết.

NBS dự báo đà phục hồi kinh tế trong nước có thể gặp nhiều hạn chế do đang cùng lúc đối mặt với áp lực từ nhu cầu giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng và kỳ vọng suy yếu.

Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng sau khi kiểm soát được đại dịch COVID-19 với chính sách "Zero COVID," siết chặt biên giới và phong tỏa. Tuy nhiên, đà phục hồi đã chậm lại trong năm nay./.

H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)

 

319 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 616
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 616
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88321811