Kinh tế thế giới: Nhiều tín hiệu khả quan 

(Chinhphu.vn) - Tăng trưởng sản xuất toàn cầu tháng 11/2020 tiếp tục phục hồi. Các nền kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong khi tại khu vực châu Âu, Nhật Bản vẫn còn yếu và chưa ổn định.
Kinh tế thế giới: Nhiều tín hiệu khả quan
Chỉ số PMI toàn cầu tiếp tục tăng từ mức 52,5 điểm trong tháng 9/2020 lên 53,3 điểm trong tháng 10 và là tháng tăng trưởng thứ 4 liên tiếp kể từ quý II/2020, đạt mức cao nhất trong 26 tháng qua.

Dịch bệnh COVD-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng mạnh tới triển vọng kinh tế toàn cầu và các nước/khu vực lớn trong những tháng cuối năm 2020. Nhiều quốc gia xem xét thực hiện giãn cách/cách ly tuy nhiên các biện pháp này chỉ trong phạm vi hạn chế, thay vì trên diện rộng hoặc bình diện quốc gia như trong nửa đầu năm 2020. Các nước đã có nhiều chuyển biến hơn trong việc phát triển vaccine chống COVID-19, nhưng cũng kéo theo nhiều quan ngại hơn về khả năng dùng vaccine như công cụ tạo ảnh hưởng ngoại giao, thay vì bảo đảm tiếp cận mở, kịp thời và công bằng đối với vaccine trên bình diện toàn cầu.

Việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối giữa các biện pháp này ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu.

“Tín hiệu” từ một số nền kinh tế chủ yếu

Kinh tế Mỹ hồi phục mạnh mẽ. GDP quý III/2020 của Mỹ tăng 33,1%, đảo chiều kỷ lục sau khi giảm 32,9% trong quý II/2020. Chỉ số PMI ngành chế biến chế tạo đạt 53,4 điểm vào tháng 10/2020, tăng nhẹ so với mức 53,2 trong tháng 9, là mức cải thiện nhanh nhất kể từ tháng 1/2019, cho thấy sự phục hồi vững chắc của lĩnh vực sản xuất hàng hóa. Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ cũng mở rộng mạnh mẽ. PMI ngành dịch vụ của Mỹ tăng từ 54,6 (tháng 9/2020) lên 56,9 (tháng 10/2020). Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm từ 8,4% (tháng 8/2020) xuống còn 7,9% (tháng 9/2020) và 6,9% (tháng 10/2020), phản ánh các hoạt động kinh tế đã được kết nối lại. Nhiều việc làm trong ngành giải trí và khách sạn, dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh, thương mại bán lẻ và xây dựng đã được khôi phục.

Khu vực châu Âu phục hồi thiếu ổn định. GDP quý III/2020 của Eurozone và EU 28 tăng 0,9% so với quý trước trước, nhưng lần lượt giảm -2,0% và -1,8%. PMI tổng hợp giảm xuống 50,4 điểm trong tháng 9 và còn 50 điểm trong tháng 10/2020 (PMI tháng 7 và 8 lần lượt đạt 54,9; 51,9 điểm). PMI khu vực dịch vụ thậm chí giảm mạnh xuống dưới mức 50 điểm (46,9 điểm trong tháng 10; 48 điểm tháng 9). Tỷ lệ thất nghiệp tháng 10/2020 cao nhất trong vòng 5 tháng qua, ở mức 8,3% đối với khu vực Eurozone và 7,5% đối với khu vực EU28.

Kinh tế Nhật Bản phục hồi rõ nét nhờ các cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại, thương mại tăng mạnh và các biện pháp kích cầu của Chính phủ thúc đẩy người dân tăng chi tiêu. Quý III/2020, tăng trưởng GDP hàng năm đạt 18,03%, là mức tăng trưởng dương lần đầu tiên trong bốn quý trở lại đây. Tiêu dùng tư nhân quý III tăng 4,7% so với quý trước sau khi sụt giảm mạnh trong quý II do các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn sự lây lan của dịch bệnh. Tháng 9/2020, cán cân thương mại thặng dư 674,98 tỷ yen, so với mức thâm hụt 129,07 tỷ yen cùng kỳ năm trước.

Kinh tế Hàn Quốc phục hồi tốt hơn dự báo. Trong quý III/2020, GDP tăng 1,9% so với quý trước, đánh dấu mức tăng trưởng quý đầu tiên sau hai quý suy giảm liên tiếp. Kết quả này có được nhờ hoạt động xuất khẩu phục hồi khi các biện pháp phong tỏa trên toàn cầu dần được nới lỏng. Lĩnh vực sản xuất đã chứng kiến sự phục hồi tương đối nhờ sự cải thiện nhu cầu trong và ngoài nước. Chỉ số PMI sản xuất của Hàn Quốc đã tăng từ mức 49,8 của tháng 9/2020 lên 52,2 vào tháng 10/2020 và là lần đầu tiên PMI sản xuất của Hàn Quốc đạt mức trên 50 điểm trong vòng một năm qua. Mặc dù vậy, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn tiếp tục suy giảm, chủ yếu là trong ngành dịch vụ và rủi ro gia tăng khi làn sóng lây nhiễm COVID-19 dâng cao ở châu Âu.

Kinh tế Trung Quốc cho thấy dấu hiệu phục hồi sau đại dịch trong bối cảnh một số đối tác thương mại đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để phòng dịch. Sản lượng công nghiệp tháng 10/2020 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự đoán trước đó là 6,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2020 tăng 11,4% so với cùng kỳ, là tốc độ tăng cao nhất từ tháng 3/2020. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới tháng 10/2020, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 là 1,9%, cao hơn 0,9 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 6/2020, do hoạt động sản xuất được phục hồi mạnh mẽ sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa và tác động của các chính sách khôi phục sản xuất của Chính phủ Trung Quốc.

An Bình

148 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 365
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 365
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87744740