Kinh tế thế giới hưởng lợi nhờ điều chỉnh chiến lược chống dịch? 

(Chinhphu.vn) - Sau khoảng thời gian tê liệt kéo dài do ảnh hưởng của đại dịch, hiện các quốc gia đã và đang gỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ triển khai tiêm chủng rộng, nhiều nước trên thế giới đang điều chỉnh chiến lược từ “zero COVID-19” sang “chung sống với dịch bệnh”, trong đó một số nước dự kiến mở cửa biên giới vào tháng 11/2021.
Kinh tế thế giới hưởng lợi nhờ điều chỉnh chiến lược chống dịch?
Tuy nhiên, sự phục hồi nhanh các hoạt động sản xuất và đi lại đang gây áp lực lớn cho ngành năng lượng khi cung không đủ đáp ứng cầu, gia tăng lo ngại về khủng hoảng năng lượng sẽ làm chậm sự phục hồi của kinh tế, đặc biệt là tại khu vực châu Âu, Mỹ, Anh và Trung Quốc. Thiếu hụt nguồn cung cũng góp phần đẩy giá điện và khí đốt liên tục tăng nhanh kể từ đầu năm 2021, theo đó, doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ, giá cả các mặt hàng hóa tăng vọt.

Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO), giá lương thực thế giới trong tháng 9/2021 tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua. Cụ thể, chỉ số giá thực phẩm đạt mức trung bình 130 trong tháng 9/2021, do giá lương thực tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chi phí và thời gian vận chuyển cũng liên tục tăng từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển dịch các nhà máy sản xuất về gần với thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp.

Trong những tháng cuối năm, mặc dù vẫn còn có những lo ngại về biến thể của virus SARS-CoV-2 nhưng tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục trên đà phục hồi nhờ sự dẫn dắt của các nền kinh tế lớn. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 được dự báo sẽ đạt mức 5,6-5,9%, từ sự phục hồi nhanh của những khu vực và nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc…

Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) toàn cầu liên tục tăng trong các tháng đầu năm, đặc biệt tại các quốc gia có độ bao phủ vaccine cao (Mỹ, EU…). Tuy nhiên, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã khiến xu hướng phục hồi kinh tế thế giới chậm dần. Chỉ số PMI, mặc dù vẫn trên 50 điểm (thể hiện xu hướng mở rộng sản xuất), nhưng bắt đầu giảm dần từ tháng 6/2021.

Diễn biến một số nền kinh tế chủ yếu

Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhưng áp lực nợ công và tỉ lệ lạm phát tiếp tục tăng cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 9 của Mỹ tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng tiếp tục chậm lại so với các tháng trước. Chỉ số PMI công nghiệp của Mỹ đã bắt đầu hạ nhiệt, trong tháng 9 đạt 60,7 điểm - thấp so với mức 61,1 điểm của tháng 8, mặc dù thấp hơn các tháng trước đó nhưng vẫn đạt trên 50 điểm. Tăng trưởng bán lẻ hàng hóa trong tháng 9 tiếp tục tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước cho thấy hoạt động tiêu dùng diễn biến tích cực. Số việc làm mới được tạo ra trong tháng 9 đạt 568.000 việc làm, tăng nhanh so với tháng 8. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của Mỹ trong tháng 9 đạt 61,6%, mặc dù phục hồi đáng kể so với năm 2020 nhưng vẫn chưa phục hồi trở lại mức trước COVID-19 là trên 63%. Bên cạnh các dấu hiệu lạc quan của nền kinh tế, Chính phủ Mỹ đang phải cân nhắc về khoản nợ công khổng lồ cũng như tỉ lệ lạm phát tiếp tục đạt các mốc kỷ lục mới trong bối cảnh Chính phủ nước này tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các chương trình kích thích tài khóa. Lạm phát của Mỹ trong tháng 9 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục giữ mặt bằng cao từ tháng 6 trở lại đây. Tổng nợ công trên GDP của Mỹ đến hết quý II/2021 đã vượt 125%, vượt khá xa mức bình quân dưới 105% giai đoạn 2015-2019.

Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại với tốc độ tăng GDP quý III chỉ còn 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù chỉ số PMI tổng hợp cho đến hết tháng 9/2021 đã tăng nhẹ lên ngưỡng 50, nhu cầu trong nước (doanh số bán lẻ tháng 9 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước) cũng như xuất khẩu tiếp tục gia tăng (xuất khẩu tháng 9 tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước) song các biện pháp cải tổ mang tính cấu trúc của nền kinh tế đã bắt đầu phát huy tác động mạnh đến tăng trưởng. Khu vực bất động sản suy giảm với ảnh hưởng sâu rộng của khủng hoảng nợ, cải cách quy hoạch điện hướng tới năng lượng sạch nay tạo ra khủng hoảng thiếu điện trên diện rộng, các tập đoàn công nghệ lớn tiếp tục chịu nhiều sức ép quản lý từ chính phủ.

Đối với triển vọng tăng trưởng cả năm 2021 của kinh tế Trung Quốc, các tổ chức quốc tế điều chỉnh dự báo với các động thái khác nhau bao gồm IMF điều chỉnh giảm (xuống còn 8%), WB điều chỉnh tăng (lên 8,5%), ADB và OECD giữ nguyên (lần lượt là 8,1% và 8,5%). Khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande có thể bùng nổ vào cuối tháng 10 khi hết thời hạn ân hạn nợ trả lãi cho 2 khoản vay lớn. Nếu không được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ giải quyết, cuộc khủng hoảng này sẽ gây tác động sâu rộng không chỉ đối với khu vực bất động sản Trung Quốc mà bao gồm cả thị trường tài chính, thị trường hàng hóa nguyên vật liệu toàn cầu.

Kinh tế châu Âu, sau khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng vào tháng 3-4/2021, đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ cả về GDP và việc làm. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này liên tục được các tổ chức điều chỉnh tăng. S&P Global đã nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực này từ 4,4% lên 5,1% trong năm 2021. Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực châu Âu đã dẫn đến sự thiếu hụt về nguyên vật liệu và làm tăng giá hàng hóa, khiến mức lạm phát được điều chỉnh dự báo lên 2,2% từ mức 1,8%.

Kinh tế Nhật Bản đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đà tăng lạm phát thế giới. Lạm phát của nước này phản ánh mức tăng giá của nhiều loại mặt hàng từ các sản phẩm xăng dầu, hóa chất, thép và các kim loại khác. Đây là kết quả của các yếu tố đẩy giá tăng, từ căng thẳng cung-cầu đến yếu tố mùa vụ, tác động của dịch bệnh và các chính sách khôi phục kinh tế, dẫn đến giá cả tăng lên ở nhiều nhóm sản phẩm quan trọng cho quá trình phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh. Trong dự báo được điều chỉnh trong tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 của Nhật Bản xuống còn 2,4% từ mức 2,8%.

Các nước ASEAN, tình hình sản xuất đang có xu hướng phục hồi nhưng chưa đồng đều. Chỉ số PMI khu vực ASEAN đạt 50 điểm trong tháng 9, tăng từ mức thấp nhất trong tháng 8 là 44,5. Nhiều nước trong khu vực ASEAN đã phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất. Tuy nhiên, ở một khía cạnh tích cực hơn, có những dấu hiệu cho thấy chương trình tiêm chủng của những quốc gia này đang tiến triển tốt và hoạt động sản xuất kinh doanh có thể tăng trưởng trở lại trong quý cuối của năm.

Thương mại tăng nhanh

Thương mại toàn cầu đang tăng nhanh trong bối cảnh nhu cầu sản xuất và tiêu dùng phục hồi. Trong quý I/2021, giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu đã tăng khoảng 4% so với quý trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, giá trị này đã cao hơn mức trước khủng hoảng COVID-19, tương đương mức tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2019. IMF (tháng 7/2021) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của thương mại toàn cầu lên 9,7% trong năm 2021 và 7% trong năm 2022. Theo đó, sự phục hồi thương mại hàng hóa chủ yếu là nhờ các mặt hàng liên quan đến dịch bệnh, các hàng hóa tiêu dùng bền lâu và các trang thiết bị y tế. Thương mại dịch vụ được dự báo sẽ phục hồi với tốc độ chậm hơn do những hạn chế trong du lịch quốc tế. Tuy nhiên, thương mại toàn cầu hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi nhu cầu tăng mạnh trong khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn do sự thiếu hụt chip trên toàn cầu, tắc nghẽn nghiêm trọng tại nhiều cảng biển, các nhà máy đặt tại các quốc gia đang phát triển phải đóng cửa do sự bùng phát của dịch bệnh...

Đầu tư trực tiếp toàn cầu đang sôi động trở lại, nhiều dự án xây dựng được công bố do các dự án bất động sản và trung tâm dữ liệu tăng, trong khi các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh vẫn cao. Chỉ số FDI, theo dõi tâm lý nhà đầu tư nước ngoài, đứng ở mức 723 điểm trong tháng 8, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Các tín hiệu về kế hoạch mở rộng đầu tư trong tương lai tuy giảm nhẹ trong tháng 8, đặc biệt so với mức rất cao đạt được vào tháng 6, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình hằng năm 2020. Các lĩnh vực đầu tư sôi động bao gồm phát triển bất động sản; xử lý dữ liệu, lưu trữ và các dịch vụ liên quan; R&D; năng lượng xanh… Tâm lý lạc quan về triển vọng đầu tư trên toàn cầu ngày càng tăng.

Giá cả thế giới có xu hướng tăng trở lại. Giá dầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua do sự thiếu hụt khí đốt tự nhiên, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than, từ đó làm tăng nhu cầu về dầu mỏ. Chỉ số giá lương thực FAO đạt trung bình 130 điểm trong tháng 9, tăng 1,2% so với tháng 8 và cao hơn 32,8% so với tháng 9/2020, hiện đang ở mức cao nhất trong 10 năm. Giá cước vận tải biển quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt do tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và các khu vực khác (Mỹ, châu Âu) giảm. Giá vận chuyển một container giữa Thượng Hải và Los Angeles trong tuần đầu tháng 10 đã giảm 8,2% so với tuần trước đó, trong khi giá vận chuyển giữa Mỹ và châu Á cũng giảm khoảng 16%. Mặc dù vậy, giá cước vận tải hiện vẫn cao hơn nhiều so với trước đại dịch.

Có thể thấy, kinh tế thế giới hiện tại vẫn còn phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhưng đang trong xu hướng dần hồi phục trong tình trạng sống chung với bệnh dịch.

An Bình

196 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 990
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 990
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87037739