Tình trạng suy thoái của các hoạt động kinh tế trên toàn thế giới đặc biệt nghiêm trọng đối với các ngành dịch vụ. Rất nhiều ngành công nghiệp đã gần như ngừng hoạt động vì các biện pháp cách ly của chính phủ và sự sụt giảm nhu cầu.
Giá hàng hóa thế giới biến động mạnh, đặc biệt là giá dầu đã góp phần tạo ra bất ổn về tài chính, gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt là với các nước xuất khẩu. Từ cuối tháng 4/2020, khi dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, nhiều quốc gia bắt đầu nới lỏng phong tỏa và cách ly xã hội. Đồng thời, các chính phủ đã liên tiếp đưa ra các gói kích thích và hỗ trợ nhằm giúp nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại.
Các số liệu được công bố đến nay đã cho thấy tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế thế giới. Tháng 5/2020, Ủy ban châu Âu dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 giảm 3,5% trong năm 2020 (so với dự báo tăng 3,0% trong báo cáo trước đó). Chỉ số PMI tổng hợp toàn cầu thế giới tháng 4/2020 giảm xuống mức thấp kỷ lục 26,2 điểm, từ mức 39,2 điểm của tháng 3/2020.
Một số nền kinh tế chủ yếu khó khăn
Đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ số PMI ngành chế biến chế tạo của Mỹ sụt giảm mạnh từ 48,5 điểm trong tháng 3/2020 xuống còn 36,1 điểm trong tháng 4/2020 - thấp nhất trong 11 năm. Thâm hụt ngân sách của Mỹ tháng 4/2020 tăng lên mức kỷ lục 738 tỷ USD, trong bối cảnh chi tiêu của Chính phủ tăng vọt và nguồn thu thuế sụt giảm do các biện pháp khống chế dịch. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng vọt từ 4,4% tháng 3/2020 lên 14,7% trong tháng 4/2020. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng 4/2020 lên tới 20,5 triệu người.
Nhiều công ty Mỹ, đặc biệt là các hãng hàng không, các chuỗi cửa hàng bán lẻ, các công ty dầu mỏ và những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề khác vẫn gặp nhiều khó khăn, làm gia tăng quan ngại về một làn sóng phá sản lớn ở Mỹ. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ tài chính có thể góp phần ngăn chặn làn sóng này. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) cho biết sẽ tiếp tục sử dụng tối đa các công cụ cho đến khi khủng hoảng qua đi và phục hồi kinh tế diễn biến tốt.
Khu vực châu Âu giảm mạnh, số liệu công bố mới đây từ Eurostat cho thấy GDP của khu vực EU và Eurozone quý 1/2020 lần lượt suy giảm ở mức 3,8% và 3,3%. Việc làm giảm 0,2% ở cả hai khu vực trong quý 1/2020. Chỉ số PMI tổng hợp của khu vực Eurozone trong tháng 4/2020 giảm xuống mức thấp kỷ lục ở mức 13,6 điểm, từ mức 29,7 điểm trong tháng 3/2020. Tỷ lệ lạm phát hàng năm trong tháng 4/2020 của khu vực Eurozone tiếp tục giảm xuống mức 0,4% từ mức 0,7% trong tháng 3/2020. Dù dịch bệnh hiện nay đã bớt căng thẳng song kinh tế suy giảm đã khiến một số nền kinh tế trong khu vực tiếp tục đưa ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động sau rất nhiều gói hỗ trợ trước đó.
Kinh tế Nhật Bản có nguy cơ suy thoái sâu. Chi tiêu hộ gia đình trong tháng 3/2020 giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019 - mức giảm lớn nhất trong 5 năm. Chỉ số PMI sản xuất tháng 4/2020 xuống 41,9 điểm, giảm 1,8 điểm so với tháng 3/2020. Chính phủ Nhật Bản đã triển khai một loạt các biện pháp kích thích kinh tế với trị giá hàng tỷ USD để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế do dịch bệnh gây ra. Đồng thời sẽ bổ sung ngân sách lần hai trong cuộc họp Quốc hội kéo dài đến tháng 6/2020.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đà khôi phục trong lĩnh vực sản xuất. Sản lượng công nghiệp tháng 4/2020 tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Giữa bối cảnh hoạt động tiêu dùng vẫn đang đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế Trung Quốc, doanh số bán lẻ của Trung Quốc lại giảm 7,5% trong tháng 4, càng cho thấy những khó khăn phía trước của nền kinh tế Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc cam kết điều chỉnh mức thâm hụt ngân sách một cách phù hợp, phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt, tăng quy mô phát hành trái phiếu cho các địa phương và hướng dẫn về lộ trình giảm lãi suất cho thị trường tín dụng. Đồng thời, ngày 15/5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã bơm khoảng 100 tỷ NDT (14,1 tỷ USD) vào thị trường thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF), phân phối cho các khoản vay có kỳ hạn 1 năm với mức lãi suất 2,95%. Kinh tế Trung Quốc vẫn có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và “dư địa” cho việc điều chỉnh chính sách kinh tế, với dự kiến đà hồi phục kinh tế sẽ tiếp tục diễn ra trong 3 quý còn lại của năm 2020.
Giá cả hàng hóa thế giới phục hồi nhẹ. Chỉ số giá cơ bản từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5 tăng lên 2%. Giá ngũ cốc hiện vẫn đồng loạt đi xuống. Giá lúa mì (phiên ngày 13/5) kỳ hạn tháng 7/2020 giảm còn 5,01-3/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ 18/3/2020 do dự báo nguồn cung tăng lên trên toàn cầu và cạnh tranh thị trường xuất khẩu. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng giảm còn 8,39-1/2 USD/bushel; giá ngô và đậu tương giảm do tiến độ trồng trọt của Mỹ hứa hẹn sản lượng sẽ bội thu.
Thị trường thế giới biến động
Giá dầu phục hồi trở lại. Giá dầu thô WTI sau khi rơi xuống mức -37,63 USD/thùng (ngày 20/4) đã tăng dần trở lại và đạt mức 29,65 USD/thùng (ngày 16/5). Giá dầu Brent ở mức 32,5 USD/thùng (ngày 16/5). Giá dầu phục hồi do một số quốc gia nới lỏng lệnh phong tỏa chống đại dịch COVID-19 để cho phép nhà máy và cửa hàng hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, các thoả thuận của OPEC+ cũng bắt đầu phát huy tác dụng.
Thị trường tài chính tiền tệ thế giới biến động mạnh. Hầu hết các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia và các tổ chức tài chính quốc tế đang nỗ lực giải ngân các gói cứu trợ lớn nhằm hỗ trợ các nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. FED sau khi tiến hành cắt giảm lãi suất, tiếp tục tuyên bố sẽ áp dụng thêm nhiều biện pháp đặc biệt khác để phục hồi nền kinh tế sau khi nền kinh tế Mỹ tái khởi động lại. Tuy nhiên, kế hoạch đưa mức lãi suất xuống mức âm của Tổng thống Donald Trump đã bị bác bỏ và FED chỉ cam kết sẽ duy trì mức lãi suất thấp trong thời gian tới.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục nới lỏng tài chính khi chấp nhận các khoảng vay ngoại. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Anh tiếp tục các chính sách nới lỏng tiền tệ, giữ nguyên lãi suất cơ bản thấp kỷ lục ở mức 0,1%. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì và sẽ nới lỏng tiền tệ ngay lập tức khi cần thiết để phục hồi nền kinh tế.
Chỉ số USD index tháng 5/2020 ổn định xung quanh mức 99,5 điểm. Tại châu Âu, đồng EUR giảm nhẹ so với đồng USD, tỷ giá EUR/USD đang được giao dịch ở mức 1,08 USD/1 EUR. Tỷ giá USD/JPY không có nhiều sự thay đổi so với tháng trước, hiện được giao dịch ở mức 107 JPY đổi 1USD.
An Bình