Tăng trưởng tiêu dùng chỉ tăng 0,4% trong quý III, thấp hơn so với 0,6% trong quý II. Chi tiêu vốn, một điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế, tăng 0,9% trong quý III.

Số liệu kinh tế ảm đảm đang buộc chính phủ Nhật Bản đưa ra chính sách nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt nền kinh tế nước này có thể sẽ còn chịu nhiều tác động hơn nữa từ việc tăng thuế tiêu dùng.

Tháng 10 vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã tiến hành tăng thuế tiêu dùng lên 10% từ mức 8% để củng cố nền kinh tế đang rơi vào suy yếu. Giới chức cho biết tác động từ việc tăng thuế này sẽ nhỏ hơn so với đợt tăng thuế từ 5% lên 8%, năm 2014.

Tại cuộc họp chính sách ngày 30 – 31/10, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ nhưng cũng báo hiệu sẽ sẵn sàng  duy trì hoặc thậm chí cắt giảm lãi suất để củng cố nền kinh tế.

Ngày 21/10, Bộ Tài chính Nhật Bản công bố sản lượng xuất khẩu nước này giảm tháng thứ 10 liên tiếp tính đến tháng 9 do xuất khẩu linh kiện xe hơi và thiết bị sản xuất chất bán dẫn giảm.

Theo dữ liệu được công bố, sản lượng xuất khẩu trong tháng 9 của nước này giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự đoán xuất khẩu tháng 9 có thể giảm khoảng 4%. Đây được coi là đợt lao dốc dài nhất kể từ sau giai đoạn 10/2015 – 11/2016.

Thương chiến Mỹ - Trung ngày càng gia tăng thực tế đang đe doạ đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và phủ mây đen lên triển vọng kinh tế của Nhật Bản. Sản lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản giảm 6,7% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm tháng thứ 7 liên tiếp do xuất khẩu linh kiện ô tô giảm.

Tính đến tháng 9, sản lượng xuất khẩu của Nhật Bản sang thị trường châu Á, khu vực chiếm hơn một nửa tổng sản lượng xuất khẩu của nước này cũng giảm 7,8%, mức giảm tháng thứ 11 liên tiếp. Xuất khẩu sang Mỹ cũng giảm 7,9% tính từ đầu năm đến tháng 9./.

Hoài Hà (Theo Reuters, CNBC)