Dữ liệu từ Cục Thống kê Indonesia ngày 5/8 cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia sụt giảm 5,32% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm sâu nhất kể từ quý I/1999. Trong khi đó, một cuộc khảo sát do hãng tin Bloomberg thực hiện cho thấy, các nhà kinh tế dự đoán GDP quý II của Indonesia giảm 4,72%. So với quý I/2020, GDP nước này giảm 4.19%, trong khi các chuyên gia kinh tế dự đoán mức giảm này là 3,65%.
Chuyên gia kinh tế Wellian Wiranto tại Oversea-Chinese Banking Corp kêu gọi cần chuẩn bị tinh thần cho một điều tồi tệ sắp diễn ra và các quốc gia sẽ phải đối mặt với nó. Ông cũng cho rằng sự bất ổn đang diễn ra trên quy mô toàn cầu nhưng vẫn lạc quan về sự phục hồi vào nửa cuối năm.
Công ty nghiên cứu Capital Economics đánh giá hoạt động kinh tế ở Indonesia đều sụt giảm mạnh trong quý II vừa qua mà nguyên nhân là do thiếu biện pháp khống chế dịch COVID-19 hiệu quả và không có chính sách hỗ trợ tương xứng. Theo Capital Economics, điều này sẽ dẫn tới việc Indonesia có khả năng trở thành một trong những nước phục hồi chậm nhất trong khu vực.
Chỉ số chứng khoán Indonesia đã giảm 0,3% sau khi Cục Thống kê công bố dữ liệu. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm 2 điểm% cơ bản xuống còn 6.827%, trong khi đồng rupiah giữ mức tăng 0,3% so với đồng USD.
Chỉ số quản lý thu mua của Indonesia cho thấy, doanh số bán lẻ tại nền kinh tế phụ thuộc vào tiêu dùng sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, sản xuất cũng tiếp tục suy giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu của Indonesia, chủ yếu là các mặt hàng như than đá và dầu cọ, đã cho thấy sự phục hồi trong những tháng gần đây.
Tiêu thụ sụt giảm
Chính phủ Indonesia đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong khoảng từ -0,4% đến 1% trong năm 2020. Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng Indonesia trong năm 2020 từ 0,9% - 1,9%.
Báo cáo thống kê cho thấy, tiêu dùng cá nhân nước này giảm 5,51%, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giảm 8,61%, xuất khẩu giảm 11,66% và chi tiêu chính phủ giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Tăng trưởng GDP phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư và chi tiêu hộ gia đình, vì vậy chúng ta nên nỗ lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy các nguồn lực này tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong những quý tiếp theo”, ông Suhariyanto, người đứng đầu Cơ quan Thống kê Indonesia cho hay.
Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, nền kinh tế nước này đang cho thấy dấu hiệu hồi phục trở lại khi chứng kiến sự gia tăng gần đây trong chi tiêu hộ gia đình, sức mua và lưu thông tiền tệ ở các khu vực nông thôn mặc dù đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu suy giảm tại đây.
Nguy cơ suy thoái trong cả năm
Chuyên gia kinh tế Josua Pardede tại Ngân hàng Permata cho biết, từ những dữ liệu thống kê được công bố có thể thấy nền kinh tế Indonesia có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm nay. Sự bùng phát đại dịch COVID-19 khiến cho mục tiêu kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Indonesia bị đe dọa. Ông kêu gọi chính phủ nước này tăng cường hỗ trợ tài chính. Jakarta đã giải ngân 141 nghìn tỷ rupiah (9,7 tỷ USD) để kích thích kinh tế. Chính phủ Indonesia cũng đã công bố gói kích thích kinh tế mới trị giá hơn 48 tỷ USD để khắc phục hậu quả từ các biện pháp phong tỏa trên diện rộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
“Các biện pháp kích thích kinh tế thông qua việc thúc đẩy kích thích chi tiêu của chính phủ là rất quan trọng. Kinh tế Indonesia được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong quý III/2020”, ông nhấn mạnh.
Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã cắt giảm 100 điểm cơ bản đối với lãi suất nhằm kích thích kinh tế. Đây là lần thứ 4 trong năm nay ngân hàng này quyết định cắt giảm lãi suất. Ngân hàng này cũng đã mua hàng tỷ USD trái phiếu chính phủ để hỗ trợ thâm hụt ngân sách.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong năm 2020 sẽ là 0%. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Indonesia sẽ đình trệ trong năm nay.
Hiện, Indonesia đang là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại khu vực Đông Nam Á do những tác động mà đại dịch COVID-19 gây ra. Tính đến nay, nước này ghi nhận có tổng cộng hơn 115.000 ca nhiễm, trong đó 5.388 ca tử vong vì dịch bệnh./.