'Kinh tế Cuba có thể tăng trưởng 9% nếu không bị bao vây cấm vận' 

Theo Ngoại trưởng Bruno Rodríguez, các tính toán “nghiêm ngặt và thận trọng” chỉ ra rằng Cuba thiệt hại 4,867 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 1/3/2022 đến 28/2/2023 do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
'Kinh tế Cuba có thể tăng trưởng 9% nếu không bị bao vây cấm vận'

Chính phủ Cuba vừa công bố báo cáo thường niên về thiệt hại do chính sách bao vây cấm vận của Mỹ gây ra đối với đảo quốc này, trong đó Ngoại trưởng Bruno Rodríguez cho biết kinh tế Cuba đã có thể tăng trưởng tới 9% trong năm 2022 nếu không bị bao vây cấm vận, thay vì 1,8% theo các báo cáo chính thức.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Cuba cho hay các tính toán “nghiêm ngặt và thận trọng” chỉ ra rằng Cuba thiệt hại ước tính 4,867 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 1/3/2022 đến 28/2/2023 do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo thống kê của Cuba, thiệt hại lũy kế trong hơn 60 năm Mỹ áp dụng chính sách thù địch với Cuba lên tới 159 tỷ USD, hay 1.337 tỷ USD nếu tính theo bản vị vàng.

Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Bruno Rodríguez cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã áp dụng nghiêm chính sách “gây áp lực và bóp nghẹt tối đa” do người tiền nhiệm Donald Trump thúc đẩy, và kết quả là đã ghi nhận hơn 900 “hành động phân biệt đối xử” của các ngân hàng quốc tế với các thực thể Cuba.

Theo ước tính, ngành y tế Cuba thiệt hại 80 triệu USD trong năm 2022, ngành du lịch thiệt hại 1.089 triệu USD, trong khi con số thiệt hại của ngành nông nghiệp là 273 triệu USD và của ngành sản xuất điện là 239 triệu USD.

Dự kiến, Cuba sẽ trình bày trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào đầu tháng 11 dự thảo nghị quyết lên án chính sách đơn phương của Mỹ. Đây là lần thứ 31 Cuba đệ trình dự thảo nghị quyết này.

Trong nhiều năm liên tục, Cuba đã nhận được sự ủng hộ áp đảo của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc chỉ mang sức mạnh chính trị và không có tính ràng buộc.

[Cuba và các chủ nợ phương Tây nhất trí cứu vãn thỏa thuận nợ]

Năm 1962, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã sử dụng cái gọi là Luật Thương mại với Kẻ thù, được Quốc hội thông qua năm 1917, để thực hiện phong tỏa kinh tế đối với Cuba, sau một số quyết định hành pháp được người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Dwight Eisenhower, áp dụng từ năm 1959.

Luật này cho phép các Tổng thống Mỹ áp đặt và duy trì các hạn chế kinh tế đối với các quốc gia được coi là thù địch, áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế trong thời gian chiến tranh hoặc các trường hợp khẩn cấp quốc gia khác, đồng thời cấm trao đổi thương mại với kẻ thù hoặc đồng minh của kẻ thù trong các cuộc xung đột vũ trang.

Cuba là quốc gia duy nhất đến thời điểm hiện tại bị Mỹ trừng phạt theo đạo luật nói trên./.

Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)

 

118 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 718
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 718
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89003329