Kinh tế châu Âu ghi nhận mức suy giảm liên tiếp sau khi phục hồi mạnh mẽ trong quý III/2020 khi khu vực Eurozone tăng trưởng 12,5% và khu vực EU tăng trưởng 11,7%. Đây là mức suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1995. Nguyên nhân được cho là khu vực này phải đối mặt với sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 và việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 diễn ra chậm chạp.
Quý IV/2020, kinh tế khu vực Eurozone suy giảm 0,7% trong khi khu vực EU ghi nhận mức giảm 0,5%. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP khu vực Eurozone giảm 1,8% trong khi EU ghi nhận mức giảm 1,7%.
Cụ thể đối với từng quốc gia, kinh tế Bồ Đào Nha giảm 3,3% trong quý I/2021, tiếp đó là Latvia giảm 2,6% và Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, ghi nhận mức giảm 1,7% phần lớn do tác động của các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, một số các quốc gia khác cũng ghi nhận tín hiệu lạc quan, khi Lithuania ghi nhận mức tăng 1,8% và Thụy Điển tăng 1,1% .
Tuy nhiên, sản lượng kinh tế châu Âu sụt giảm ít hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế đưa ra ở mức giảm 1%, nhưng vẫn còn khoảng cách so với mức phục hồi của Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới. Số liệu tăng trưởng của Mỹ công bố vào tuần trước cho thấy, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 1,6% trong quý I/2021, được thúc đẩy bởi việc các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng và các gói kích thích chi tiêu quy mô lớn do Tổng thống Joe Biden đề xuất.
Các nhà kinh tế kỳ vọng châu Âu cũng sẽ có sự tăng trưởng trong thời gian tới khi việc triển khai tiêm chủng vaccine của châu lục này được đẩy nhanh và các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.
Cuối tháng 4 vừa qua, Eurostat dẫn báo cáo cho biết, thâm hụt ngân sách và nợ công của các quốc gia thành viên EU tăng vọt trong bối cảnh chính phủ các nước thành viên liên tục tung ra các chương trình hỗ trợ nền kinh tế giảm thiểu các tác động của đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo, nợ công của 19 quốc gia khu vực Eurozone tăng tới 98% GDP năm 2020. Cũng theo báo cáo của Eurostat, thâm hụt ngân sách chính phủ khu vực Eurozone so với GDP tăng từ 0,6% năm 2019 lên 7,2% vào năm 2020 và toàn bộ khu vực EU, mức thâm hụt tăng từ 0,5% năm 2019 lên 6,9% năm 2020.
Cũng theo Eurostat, thâm hụt ngân sách trung bình của khu vực đồng tiền chung Eurozone đã tăng 7,2% trong năm 2020, từ 0,6% vào năm 2019.
Trước đó, lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU đã đồng ý thành lập một quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu đại dịch trị giá 750 tỷ Euro (888 tỷ USD) để tái thiết các nền kinh tế EU bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng COVID-19. Theo kế hoạch, gói cứu trợ này sẽ bao gồm 500 tỷ EUR (564 tỷ USD) dưới dạng viện trợ và 250 tỷ EUR (282 tỷ USD) cho vay giúp các nước thành viên phục hồi kinh tế do những tác động của đại dịch COVID-19 gây ra./.
Hoài Hà (Theo eurostat, euronews.com)