Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, sáng 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Kiến trúc.
Dự thảo Luật Kiến trúc được xây dựng với bố cục gồm 4 chương với 37 điều quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ Việt Nam.
Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, ngày 3/9/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 góp phần nâng cao chất lượng kiến trúc, tạo lập môi trường cư trú bền vững, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Bộ trưởng, các quy định mới hiện nay chủ yếu tập trung về nội dung kỹ thuật, các quy định liên quan đến kiến trúc còn thiếu, chưa có tính hệ thống, chưa làm rõ tính đặc thù cao của kiến trúc, sáng tạo kiến trúc, quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc. Thực tiễn phát triển và yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam cho thấy việc ban hành Luật Kiến trúc là hết sức cần thiết, nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Phan Xuân Dũng cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc theo Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng, kiến trúc mang tính khoa học, nghệ thuật, sáng tạo ra các sản phẩm là các công trình kiến trúc, môi trường cảnh quan phục vụ con người. Sáng tạo của kiến trúc sư ảnh hưởng rất lớn đến xã hội từ văn hóa đến nguồn lực kinh tế. Các công trình kiến trúc góp phần thể hiện sắc thái văn hóa riêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Do vậy việc ban hành Luật Kiến trúc là tăng cường công tác quản lý nhà nước và định hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban KHCN&MT cũng cho rằng, có một số quy định về “Quản lý kiến trúc” (Chương II) cần cụ thể hơn. Các quy định về “Hành nghề kiến trúc” (Chương III) tương đối rõ các quy phạm cần thiết, song vẫn cần nghiên cứu kỹ các nội dung quy định về chứng chỉ hành nghề, tổ chức hành nghề kiến trúc, trách nhiệm quản lý nhà nước để đảm bảo quy định thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tiễn. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng làm rõ các đối tượng cần quản lý kiến trúc; tính kết nối của các công cụ quản lý phát triển kiến trúc; cụ thể hóa thêm một số quy định, thu hút những quy định cụ thể trong các Nghị định hướng dẫn và các văn bản dưới luật mà đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn để có thể áp dụng ngay, nâng cao tính khả thi của Luật.
Cho ý kiến về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, hiện nay vấn đề kiến trúc đang còn nhiều bất cập, đặc biệt là kiến trúc trong các đô thị trên cả nước như bản sắc không rõ, sáng tạo không mạnh. Trong phạm vi điều chỉnh, hoạt động nghề kiến trúc sư quan trọng nhưng quan trọng hơn là điều chỉnh cả lĩnh vực, ngành về kiến trúc, trong đó có hoạt động của kiến trúc sư. Kiến trúc đứng ở ranh giới giữa nghệ thuật văn hóa và khoa học công nghệ, vì vậy cần phải nhìn ở hai góc độ nghệ thuật và khoa học. Quy định của dự án Luật đang nghiêng về quản lý kiến trúc nhưng liên quan đến vấn đề nghệ thuật trong kiến trúc, cần làm sao để phát triển sự sáng tạo, hay như về kiến trúc hiện đại, dân tộc chưa được nói rõ trong dự án Luật...
Nhấn mạnh quan điểm kiến trúc phải mang bản sắc và hồn của dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Kiến trúc mang biểu tượng của mỗi quốc gia, ví dụ như nói đến Việt Nam là nhắc đến Chùa Một Cột, Khuê Văn Các... Luật Kiến trúc là cơ sở pháp lý để hoạt động kiến trúc, quản lý kiến trúc nhưng quan trọng nhất hoạt động kiến trúc phát triển thế nào và quản lý kiến trúc như thế nào để tránh những bất cập.
Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, hoạt động kiến trúc đã có 5 nguyên tắc nhưng nội dung đơn giản, chưa bao quát được những yêu cầu nền tảng của kiến trúc như tính nghệ thuật, tính khoa học, tính thời đại, truyền thống; sự hài hòa về văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, sự phát triển của không gian kiến trúc, hay phù hợp với điều kiện tự nhiên khí hậu của từng vùng miền... Bởi vậy, Ban soạn thảo cần rà soát, làm cho rõ hơn những quy định như yêu cầu chung về quản lý kiến trúc, kiến trúc khu đô thị, kiến trúc khu phố cổ, kiến trúc nông thôn…/.
Bích Liên