Kiện toàn mạng lưới khuyến nông và thú y cơ sở 

(QT) - Mạng lưới khuyến nông (KN) cơ sở được thành lập theo Nghị quyết 12/2007 của HĐND tỉnh và Quyết định 04/2008 của UBND tỉnh về ban hành quy định, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn tuyển dụng, quản lý và chế độ chính sách đối với nhân viên, cộng tác viên (CTV) khuyến nông cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Toàn tỉnh có 185 khuyến nông viên (KNV). Mỗi thôn có 1 CTV khuyến nông, toàn tỉnh có 1.065 người…

 

Chuyển giao kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh cho gia cầm

 

Trong những năm qua đội ngũ KNV cơ sở cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, theo dõi chặt chẽ sản xuất nông nghiệp, kịp thời phát hiện dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, báo cáo cho chính quyền địa phương và các ngành chức năng để triển khai công tác phòng ngừa hiệu quả. Bên cạnh đó tham mưu cho UBND xã về các chính sách nông nghiệp cũng như xây dựng chương trình sản xuất nông nghiệp của địa phương, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân cùng với việc tuyên truyền, vận động áp dụng KHKT vào sản xuất của mỗi gia đình.

 

Ở những nơi xây dựng mô hình trình diễn thì đội ngũ KNV cơ sở tích cực trong chỉ đạo người dân thực hiện các quy trình, định mức kỹ thuật của chương trình đề ra. Đội ngũ CTV khuyến nông thôn, bản phần lớn là những cán bộ chủ chốt ở cơ sở như trưởng, phó thôn; lãnh đạo các HTX, các hội, đoàn thể, những người có kinh nghiệm, sâu sát, gần gũi và được người dân tin tưởng, tín nhiệm, là cánh tay đắc lực của chính quyền địa phương, cánh tay nối dài của hoạt động KN, nhờ vậy hoạt động KN ngày càng hiệu quả.

 

Đối với hệ thống thú y cơ sở, qua 6 năm thực hiện Nghị quyết 17/HĐND tỉnh, mạng lưới thú y cơ sở trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thiện, có nhiều đóng góp cho công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh, hỗ trợ chăn nuôi phát triển bền vững, đạt năng suất, chất lượng cao; đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe người dân và môi trường sinh thái. Nhiều người đã phát huy vai trò trách nhiệm tham gia quản lý chăn nuôi và giám sát phòng chống dịch bệnh ở cơ sở; hoạt động nền nếp, trách nhiệm; góp phần vào việc phát triển chăn nuôi ở địa phương.

 

Nhiều trưởng thú y xã thể hiện được vai trò trách nhiệm của mình, luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với UBND cấp xã, Mặt trận các đoàn thể, trưởng thôn, các HTX và thú y viên của thôn trong việc chỉ đạo thống kê, giám sát tổng đàn, tổ chức tiêm phòng tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh, báo cáo định kỳ, đột xuất cho trạm thú y.

 

Cán bộ thú y cơ sở thường xuyên được cập nhật thông tin liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ, chế độ chính sách, được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề. Thú y thôn bản phần lớn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, nắm được diễn biến tổng đàn gia súc, gia cầm. Tích cực tham gia tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh. Nhờ mạng lưới thú y cơ sở mà các ổ dịch nguy hiểm, lở mồm long móng gia súc gia cầm, lợn tai xanh… được phát hiện kịp thời nên chỉ xảy ra quy mô nhỏ lẻ và được dập tắt. Các dịch bệnh khác cũng nhanh chóng được phát hiện, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

 

Tuy đã có nhiều cố gắng song tổ chức hoạt động của KN cơ sở và thú y cơ sở vẫn còn không ít hạn chế. UBND xã, phường, thị trấn tuyển dụng, quản lý, điều hành và chi trả phụ cấp cho lực lượng KN cơ sở và thú y cơ sở do vậy có tình trạng nể nang trong tuyển chọn và xử lý các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.

 

Một số địa phương không có sự tham vấn với cơ quan chuyên môn nên xảy ra tình trạng tuyển người chưa có bằng cấp đúng chuyên môn; 34/185 KNV xã; 947/1.065 CTV khuyến nông và 162/1.063 CTV thú y chưa qua đào tạo, chưa có kinh nghiệm, triển khai công việc chậm, báo cáo tình hình dịch bệnh cũng thường chậm trễ; chưa gắn trách nhiệm và hiệu quả công việc với chi trả phụ cấp.

 

Một số UBND xã thay đổi cán bộ KNV cơ sở tùy tiện nhưng không thay thế được những cán bộ thú y yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ. Có nơi cán bộ được đào tạo về chuyên môn thì điều động sang làm việc khác. Một số địa phương sản xuất nông nghiệp rất nhỏ, thậm chí không có nhưng vẫn bố trí cán bộ KNV và CTV khuyến nông. Nhiều địa phương tuyển dụng KNV, thú y cơ sở tuổi đời quá cao ảnh hưởng đến việc tiếp nhận thông tin và hiệu quả công tác. Một số chính quyền cấp xã buông lỏng quản lý hoặc chưa tạo điều kiện cho KNV, thú y hoạt động, số lượng KN cơ sở và thú y cơ sở khá đông, thiếu sự tinh gọn cần thiết…

 

Vừa qua, tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 4, UBND tỉnh đã trình Đề án “Kiện toàn mạng lưới khuyến nông và thú y cơ sở tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020” và HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về vấn đề này. Theo đề án của UBND tỉnh thì mỗi xã, phường, thị trấn bố trí 1 KNV. Các phường, thị trấn có quy mô sản xuất nhỏ, diện tích sản xuất nông nghiệp dưới 100 ha thì không bố trí KNV. Đối với CTV khuyến nông, các xã có diện tích trên 500 ha bố trí 3 CTV khuyến nông, từ 201-500 ha: 2 CTV; xã có diện tích đất sản xuất dưới 100 ha, không bố trí CTV khuyến nông. Đối với các xã miền núi vùng sâu, vùng xa do dân cư sống rải rác nên bố trí CTV khuyến nông theo số hộ sản xuất nông nghiệp. Theo phương án này thì tổng số KNV cấp xã còn lại 135 người; CTV khuyến nông là 393 người.

 

Như vậy so với cách tổ chức cũ thì KNV cấp xã giảm 50 người, CTV khuyến nông giảm 672 người. Về thú y cơ sở mỗi xã, phường, thị trấn bố trí 1 nhân viên thú y. Riêng đảo Cồn Cỏ bố trí 1 nhân viên thú y. Cộng tác viên thú y bố trí số lượng theo đơn vị có sản xuất chăn nuôi và không sản xuất chăn nuôi, như sau: Đối với các xã sản xuất nông nghiệp 2 người. Đối với các phường, thị trấn có sản xuất nông nghiệp 1 người. Đối với phường, thị trấn không có sản xuất chăn nuôi hoặc có nhưng số hộ chăn nuôi từ 100 hộ trở xuống: không có CTV thú y mà do nhân viên thú y phường đảm nhận. Như vậy tổng số nhân viên thú y cấp xã 142 (tăng 1 người so với cũ), CTV thú y 253 người, so với hiện tại giảm 810 người. Theo đề án của UBND tỉnh thì lần này đặt ra tiêu chuẩn tuyển chọn cao hơn trước.

 

Đối với KNV cấp xã tuyển dụng lần đầu tuổi đời không quá 40 đối với nam, 35 tuổi đối với nữ, sức khỏe tốt, có trình độ trung cấp trở lên, tốt nghiệp một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp. Cam kết hoàn thành nhiệm vụ, nhiệt tình với công việc. Ưu tiên tuyển chọn những người tại địa phương tốt nghiệp đại học, cao đẳng thuộc các chuyên ngành trên. Về tiêu chuẩn đối với CTVKN thôn, bản: Ưu tiên những người có trình độ trung cấp trở lên với các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp. Đối với các xã miền núi, những nơi có điều kiện KTXH khó khăn có thể tuyển trình độ thấp hơn nhưng tối thiểu phải tốt nghiệp THCS, qua các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn về trồng trọt, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp.

 

Tiêu chuẩn của nhân viên thú y cấp xã: Tuyển dụng lần đầu không quá 40 tuổi với nam và 35 tuổi đối với nữ, có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành: Chăn nuôi, thu y, nuôi trồng thủy sản. Đối với các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, trình độ tối thiểu phải qua các lớp đào tạo nghề từ 2 tháng trở lên với các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản. Đạo đức, tác phong, sức khỏe tốt, không bị các hình thức kỷ luật. Ưu tiên tuyển chọn những người tại địa phương tốt nghiệp đại học, cao đẳng thuộc các chuyên ngành trên. Tiêu chuẩn đối với CTV thú y thôn, bản: Đối với các xã, phường, thị trấn đồng bằng, ven biển có trình độ từ trung cấp chăn nuôi, thú y hoặc trung cấp thủy sản trở lên.

 

Đối với địa bàn cấp xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn có thể vận dụng tuyển chọn trình độ thấp hơn, tối thiểu phải tốt nghiệp THCS và đã qua các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn chăn nuôi, thú y và thủy sản. Có sức khỏe, ý thức, tinh thần cao với công việc. Việc tuyển chọn cán bộ, quản lý, sử dụng được quy định chặt chẽ hơn so với trước đây. Riêng mức phụ cấp hàng tháng theo Nghị quyết số 4, ngày 23/5/2017 của HĐND tỉnh, của các đối tượng trên được hưởng từ 0,5- 1,25 tính theo hệ số so với mức lương cơ sở hiện hành, tùy theo bằng cấp chuyên môn được đào tạo và vị trí công tác. Tổng kinh phí hàng năm ngân sách chi trả cho mạng lưới khuyến nông cơ sở trong toàn tỉnh giảm hơn 2 tỉ đồng so với trước.

 

Đối với mạng lưới thú y cơ sở tổng kinh phí hàng năm ngân sách chi trả cũng giảm hơn 2,2 tỉ đồng so với trước. Việc triển khai thực hiện đề án này ở các địa phương trong tỉnh sẽ góp phần kiện toàn mạng lưới KN cơ sở và thú y cơ sở, phù hợp với các quy định của pháp luật và hệ thống tổ chức của ngành ở địa phương, khắc phục tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện về hệ thống KN cơ sở và thú y cơ sở từ trước đến nay. Thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao, được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng về công tác tại địa phương, tạo nguồn cán bộ kế cận có trình độ, được rèn luyện thử thách qua công việc ở địa phương. Thuận lợi cho công tác quản lý điều hành, tinh giản số người làm việc ở cơ sở.

 

Thu nhập của người lao động trong mạng lưới KN, thú y được nâng lên do điều chỉnh theo bằng cấp được đào tạo, giúp họ yên tâm công tác, hỗ trợ tích cực cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư và phòng chống dịch bệnh ở địa phương. Góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, giảm thiệt hại cho nông dân, giảm chi ngân sách trong phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi của tỉnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe cho người tiêu dùng…

 

PA

 

 

2170 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 798
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 798
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77437835