Kiến tạo cơ hội, bảo tồn giá trị văn hóa, tự nhiên tại khu vực nông thôn 

(ĐCSVN) – Ngày Du lịch Thế giới 27/9 năm nay, Tổ chức Du lịch Thế giới đã chọn chủ đề “Du lịch và Phát triển Nông thôn" nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của du lịch trong kiến tạo cơ hội, bảo tồn giá trị văn hóa, tự nhiên tại các khu vực nông thôn trên toàn thế giới.

Nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch

Trên cơ sở nghị quyết của Hội nghị trù bị về thành lập Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), họp ngày 27/9/1970, UNWTO đã chính thức được thành lập ngày 2/1/1975. Hằng năm, ngày 27/9 được coi là ngày Du lịch Thế giới. Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khoá 58 đã thông qua nghị quyết số 58/232 công nhận UNWTO là tổ chức chuyên môn trong hệ thống LHQ.

Ngày Du lịch Thế giới được tổ chức kỷ niệm hằng năm nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong cộng đồng quốc tế. Mục đích của sự kiện là nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của du lịch và giá trị xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế của ngành du lịch. Các hoạt động trong Ngày Du lịch Thế giới hướng tới việc tìm cách giải quyết những thách thức toàn cầu được nêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và khẳng định đóng góp của du lịch trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.

Tại khóa họp lần thứ 12 của UNWTO ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ tháng 10/1997, Đại hội đồng LHQ đã quyết định mỗi năm chỉ định một nước chủ nhà như một đối tác để cử hành Ngày Du lịch Thế giới.

Thúc đẩy du lịch nông thôn …


Đối với nhiều cộng đồng nông thôn trên khắp thế giới, du lịch là nguồn cung cấp việc làm và sinh kế hàng đầu. Ở nhiều nơi, du lịch được coi là một trong số ít ngành kinh tế giúp cho các cộng đồng nông thôn phát triển. Du lịch mang đến cho những người trẻ tuổi cơ hội kiếm sống mà không cần phải di cư trong nước hay ra nước ngoài. Hơn thế nữa, nhiều cộng đồng ở khu vực nông thôn hiện đang phải vật lộn với tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trong khi ít được chuẩn bị để đối phó với các tác động của khủng hoảng. Du lịch cung cấp một giải pháp cho tất cả những thách thức này.Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho biết, Ngày Du lịch Thế giới 2020 là cơ hội để nhìn nhận vai trò và khả năng kiến tạo tương lai của du lịch tại các khu vực nông thôn. Trên toàn thế giới, du lịch đã và đang trao quyền cho các cộng đồng nông thôn, mang lại việc làm và cơ hội phát triển cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên. Du lịch cũng tạo điều kiện cho cộng đồng nông thôn gìn giữ di sản, truyền thống văn hóa và bảo vệ môi trường sống, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

“Du lịch và Phát triển Nông thôn” - chủ đề của Ngày Du lịch Thế giới 2020 chỉ ra con đường để phục hồi khả thi của ngành du lịch là dành nhiều quan tâm hơn đến các điểm du lịch ngoài đô thị, các làng mạc, thôn xóm - những nơi ít được biết đến. Trách nhiệm của UNWTO là thúc đẩy một nền du lịch bền vững và có trách nhiệm, được thực hiện dựa trên các nguyên tắc công bằng xã hội và kinh tế, tôn trọng môi trường và văn hóa. Du lịch nông thôn sẽ là loại hình du lịch tạo ra sự tương tác tích cực giữa ngành du lịch, cộng đồng địa phương và du khách.

Năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử 40 năm, Ngày Du lịch Thế giới được tổ chức tại Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) gồm 5 quốc gia: Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay và Chile nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Và hỗ trợ sự phục hồi sau đại dịch COVID-19

Du lịch toàn cầu đang hứng chịu tác động từ đại dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ khi báo cáo mới nhất ngày 15/9 của UNWTO cho biết, số lượng du khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 65%, trong đó riêng tháng 6/2020 giảm 93% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức sụt giảm chưa từng có, do các quốc gia trên thế giới vẫn đóng cửa đường biên và áp dụng các lệnh hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan.

Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực đầu tiên chịu sự tác động của COVID-19 và là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức sụt giảm du khách lên tới 72% trong 6 tháng đầu năm 2020. Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nặng thứ hai với mức sụt giảm du khách quốc tế 66% trong nửa đầu năm 2020. Tiếp sau đó là châu Mỹ với 55%, châu Phi và Trung Đông là 57%. 

Trong nhiều tuần gần đây, nhiều điểm đến trên thế giới đã bắt đầu mở cửa đón du khách quốc tế trở lại. Tính đến đầu tháng 9/2020, có 53% điểm đến trên thế giới đã nới lỏng các hạn chế đi lại. Tuy nhiên, nhiều Chính phủ vẫn tỏ ra thận trọng. Trong bản báo cáo mới nhất, UNWTO cho hay, trong nửa đầu năm nay, các lệnh phong tỏa đã gây hậu quả rất lớn với ngành du lịch toàn cầu. Sự sụt giảm nhanh chóng và đột ngột lượng du khách quốc tế khiến hàng triệu việc làm và doanh nghiệp điêu đứng.

Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho biết: “Thống kê du lịch toàn cầu mới nhất cho thấy, tác động sâu sắc của đại dịch đang diễn ra với ngành du lịch, một khu vực có hàng triệu người phụ thuộc sinh kế”. Việc các quốc gia đóng cửa đường biên và áp dụng các biện pháp hạn chế đã khiến lượng du khách quốc tế giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2020 và làm mất đi 440 triệu lượt khách quốc tế, mức thiệt hại tương ứng là 460 tỷ USD giá trị xuất khẩu từ khách du lịch quốc tế. Con số này gấp khoảng 5 lần mức thiệt hại về du lịch được ghi nhận trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu năm 2009.

Theo UNWTO, du lịch nội địa sẽ phục hồi nhanh hơn so với du lịch quốc tế; tạo cơ hội tốt cho các nước phục hồi kinh tế - xã hội sau các tác động của đại dịch COVID-19. Với giá trị, tầm quan trọng của du lịch nội địa và xu hướng hiện nay, các quốc gia cần tập trung vào chiến lược tiếp thị, quảng bá, tăng cường các gói hỗ trợ tài chính để sớm phục hồi thị trường du lịch nội địa.

UNWTO cũng kêu gọi chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho ngành du lịch theo 3 trọng tâm. Thứ nhất, bảo vệ sinh kế cho người lao động: trợ giúp tài chính để đảm bảo thu nhập của hàng triệu người lao động đang gặp khó khăn. Thứ hai, hỗ trợ tài chính: mở rộng các khoản vay không giới hạn và không tính lãi cho các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ để ngăn chặn sự phá sản hàng loạt. Các khoản thuế và phí đối với doanh nghiệp du lịch cần được miễn trừ với hiệu lực ngay lập tức trong ít nhất 12 tháng tới. Thứ ba, kích thích thanh khoản và lưu chuyển tiền mặt: kích thích tính thanh khoản và dòng tiền để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cũng như cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong ngành./.

Nhân ngày Du lịch thế giới 2020, Tổng Thư ký  Zurab Pololikashvili đã chia sẻ Thông điệp:

(1) Trong 40 năm qua, Ngày Du lịch Thế giới đã nêu bật sức mạnh của ngành du lịch đối với hầu hết mọi khía cạnh trong xã hội của chúng ta. Giờ đây, thông điệp này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

(2) Chủ đề của Ngày Du lịch Thế giới năm 2020 “Du lịch và Phát triển Nông thôn” đăc biêt phù hợp tại thời điểm này, khi chúng ta đang đối măt với môt khủng hoảng chưa từng có.

(3) Du lịch đã được chứng minh là môt chiếc phao cứu sinh cho rất nhiều công đồng nông thôn, tuy nhiên sức mạnh thực sự của du lịch vẫn cần được khai thác triêt để hơn. Ngành du lịch không chỉ là nguồn cung cấp viêc làm hàng đầu, đăc biệ đối với phụ nữ và thanh niên, mà còn mang đến cơ hôi gắn kết lãnh thổ và hòa nhâp kinh tế - xã hôi cho những vùng dễ bị tổn thương nhất. 

(4) Du lịch giúp các cộng đồng nông thôn gìn giữ di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo của họ, hỗ trợ các dự án bảo tồn, bao gồm dự án bảo vệ các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, các phong tục hoặc bản sắc đã mai môt.

(5) Đại dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới chững lại. Lĩnh vực của chúng ta là một trong những ngành bị tác đông nặng nề nhất với hàng triệu việc làm đang chịu rủi ro.

(6) Khi hợp lực để khởi động lại du lịch, chúng ta phải tự giác thực hiện trách nhiệm của mình để đảm bảo rằng lợi ích của du lịch được sẻ chia cho tất cả mọi người.

(7) Cuộc khủng hoảng này là cơ hội để nhìn nhận lại ngành du lịch và những đóng góp của ngành đối với nhân loại và hành tinh, cũng là cơ hội để xây dựng lại ngành du lịch tốt đẹp hơn theo hướng bền vững, toàn diện và có khả năng phục hồi nhanh.

(8) Đưa phát triển nông thôn trở thành trọng tâm của các chính sách du lịch thông qua giáo dục, đầu tư, đổi mới sáng tạo và công nghệ có thể chuyển đổi sinh kế của hàng triệu người, bảo vệ môi trường và văn hóa của chúng ta.

(9) Là môt ngành không có giới hạn, du lịch đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp cho tất cả các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

(10) Khai thác du lịch như một động lực để phát triển nông thôn sẽ giúp cộng đồng toàn cầu đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững - một kế hoạch đầy tham vọng của chúng ta cho nhân loại và hành tinh.

(11) Đánh dấu hành trình 75 năm của Liên hợp quốc, đã đến lúc chúng ta thực sự phát huy hết tiềm năng to lớn của ngành du lịch, bao gồm năng lực đôc đáo trong viêc thúc đẩy sự phát triển của các công đồng nông thôn, ủng hộ cam kết sẽ không bỏ ai lại phía sau của chúng ta. Chúc mừng Ngày Du lịch Thế giới!

 
 
Hoài Hà
167 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 785
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 785
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87049047