Kiên quyết đấu tranh với các vụ án tham nhũng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

(QT) - Những năm qua tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị diễn biến phức tạp, có những vấn đề nổi cộm, bức xúc về an ninh, trật tự và một số vụ án, vụ việc phức tạp được dư luận xã hội quan tâm...Vì vậy, Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Trị và các cơ quan trong khối nội chính đã tập trung giải quyết các đơn thư tố cáo có liên quan đến tham nhũng; chủ động nắm tình hình các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế phức tạp, qua đó kịp thời phát hiện, khởi tố, điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác số 5, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Theo đó, các cơ quan tố tụng đã tập trung xử lý 129 vụ/163 đối tượng về kinh tế, tham nhũng. Trong đó đã tiến hành điều tra 5 vụ án, 2 vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo, cụ thể: Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công trình xây dựng cơ sở hạ tầng Khu tái định cư Tây Hùng Vương TP Đông Hà; vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Vĩnh Thành (Vĩnh Linh); vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh; vụ án “Trốn thuế” xảy ra tại Công ty CP Tuấn Lộc Quảng Trị; vụ án Nguyễn Thị Phương Nhi “Tham ô tài sản”; vụ cán bộ BQL dự án đầu tư và phát triển rừng Hải Lăng có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; vụ Tôn Thất Lương “Vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới”...

Đặc biệt đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công trình xây dựng cơ sở hạ tầng Khu tái định cư Tây Hùng Vương TP Đông Hà gồm 9 bị can với số tiền thiệt hại là 1.033.324.000 đồng. Ngày 15/5/2015, liên ngành Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Đông Hà, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân TP Đông Hà đã thống nhất quan điểm miễn trách nhiệm hình sự đối với 8 bị can trong vụ án theo Điều 25 Bộ Luật Hình sự với lý do: Quá trình điều tra, các bị can đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có lý lịch nhân thân tốt, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Hậu quả đã được khắc phục kịp thời với số tiền 1.041.214.000 đồng. Đến nay, hậu quả về vật chất, phi vật chất không còn ảnh hưởng lớn, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang xây dựng công trình khu tái định cư Tây Hùng Vương, tình hình trật tự tại địa phương nay đã ổn định.

Do đó, liên ngành điều tra, tố tụng TP Đông Hà đã thống nhất quan điểm sớm kết thúc vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Đối với vụ án Nguyễn Thị Phương Nhi “Tham ô tài sản”. Theo đó, Công ty Hòa Nhi có trụ sở ở thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị do bà Nguyễn Thị Phương Nhi làm giám đốc ký hợp đồng thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp tại tỉnh Quảng Trị” thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi giai đoạn 2011-2015” với Văn phòng Chương trình nông thôn miền núi thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị. Theo hợp đồng, Công ty Hòa Nhi (cơ quan thực hiện dự án) được nhà nước hỗ trợ 2,4 tỷ đồng trong 3 năm (2012,2013,2014) và có trách nhiệm thực hiện dự án theo đúng nội dung thuyết minh dự án đã được phê duyệt.

Sau đó, Văn phòng Chương trình nông thôn miền núi đã chuyển 1,7 tỷ đồng để thực hiện dự án. Theo báo cáo tổng kết dự án và hồ sơ chứng từ Công ty Hòa Nhi báo cáo đề nghị quyết toán, Công ty Hòa Nhi đã chi tổng cộng là 1.619.350.580 đồng trên tổng số tiền 1,7 tỷ đồng được nhà nước hỗ trợ. Trong đó, Công ty Hòa Nhi đã chi các khoản như sau: Chi lương lao động: 246.800.000 đồng, mua lợn giống 984.000.000 đồng, mua thức ăn cho lợn 99.938.580 đồng, mua sắm thiết bị 120.000.000 đồng, chuyển giao công nghệ 82.800.000 đồng và các khoản chi khác 75.812.000 đồng.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra và các tài liệu thu thập được, xác định Nguyễn Thị Phương Nhi đã lập khống hồ sơ, giả chữ ký, chứng từ chi lương lao động, nâng khống số lượng lợn giống, thức ăn cho lợn...để chiếm đoạt tiền dự án với tổng số tiền là 500 triệu đồng. Ngày 8/3/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh có kết luận điều tra, chuyển Viện KSND truy tố theo quy định. Hay như vụ án “Trốn thuế” xảy ra tại Công ty CP Tuấn Lộc Quảng Trị trong 2 năm 2013,2014, công ty đã lập 2 hệ thống sổ sách theo dõi hoạt động sản xuất- kinh doanh, trốn thuế, gian lận thuế số tiền 4.120.543.228 đồng. Ngày 22/12/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án và ngày 10/7/2017 ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Trọng Tài (giám đốc).

Hiện đang tiếp tục củng cố tài liệu chứng cứ và điều tra mở rộng vụ án. Ngoài ra, cơ quan Thanh tra đã chuyển 2 vụ việc sai phạm về quản lý kinh tế, tài chính đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra theo pháp luật tố tụng hình sự gồm: Vụ Lê Thị Kim Oanh, thủ quỹ Trường PTDT nội trú Vĩnh Linh có hành vi lập khống chứng từ, chiếm đoạt số tiền ngân sách hơn 310 triệu đồng. Tòa án đã xét xử Kim Oanh phạm tội ”tham ô tài sản”, xử phạt 8 năm tù. Vụ sai phạm về quản lý kinh tế, tài chính xảy ra tại Đài PT-TH tỉnh gây thiệt hại số tiền 58 triệu đồng.

Qua điều tra, xác minh của cơ quan công an xác định hành vi không cấu thành tội phạm nên ra quyết định không khởi tố vụ án, đồng thời chuyển hồ sơ cho cơ quan thanh tra xử lý theo thẩm quyền. Đặc biệt là các cơ quan nhà nước trong tỉnh luôn coi trọng việc tự kiểm tra nội bộ, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các hành vi sai phạm. Nổi lên có 2 vụ đó là Phó Giám đốc Bệnh viện phục hồi chức năng Cửa Tùng có sai phạm trong quản lý tài chính đã thu hồi 104 triệu đồng và xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; vụ Phó Đội trưởng Đội hướng dẫn điều tra án PC 46 Công an tỉnh có biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh người nhà đối tượng, đã được Công an tỉnh kịp thời ngăn chặn và xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách.

Thực tế cho thấy, hàng năm có trên 5 vụ án, vụ việc phức tạp diện Thường trực Tỉnh ủy theo dõi chỉ đạo, tuy nhiên nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nên tiến độ giải quyết các vụ án được đẩy nhanh, sớm đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, kiên quyết không để xảy ra xét xử oan người vô tội hay bỏ lọt tội phạm. Từ các vụ án tham nhũng, sai phạm, tội phạm kinh tế đã được phát hiện và khởi tố, TAND cấp tỉnh đã thụ lý 261 vụ với 755 bị cáo, đã giải quyết 257 vụ, 742 bị cáo. Theo đó tổng số tiền thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là hơn 3,7 tỷ đồng, trong đó số tiền, tài sản phải thu hồi theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là hơn 3,5 tỷ đồng, đến nay cơ quan Thi hành án đã thu hồi được hơn 1,5 tỷ đồng.

Riêng đối với các vụ án tham nhũng thì việc thu hồi tài sản là rất quan trọng. Trong 2,7 tỷ đồng bị chiếm đoạt thì nay chỉ mới thu hồi được 1,04 tỷ đồng (đạt 38,5%). Nguyên nhân số tiền thu hồi đang còn rất hạn chế do các đối tượng phạm tội về công nghệ cao chủ yếu là học sinh, sinh viên, sử dụng số tiền chiếm đoạt vào việc ăn chơi, tiêu xài hoang phí nên số tiền chiếm đoạt bị thất thoát nhiều và hầu như rất khó để thu hồi.

Các vụ án về kinh tế thì chủ yếu là bắt quả tang nên số hàng hóa là vật chứng của vụ án đã được thu giữ, xử lý theo đúng quy định pháp luật. Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh công tác tố giác, điều tra phát hiện các vụ án tham nhũng, hối lộ, lừa đảo thì cần phải nâng cao hiệu quả công tác thi hành án để đảm bảo được sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh.

 

Hồ Nguyên Kha

 

 

1287 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 597
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 597
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88306585