Tham gia Đoàn còn có các đồng chí: Trần Thị Bích Thủy – Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó trưởng Đoàn kiểm tra; Nguyễn Xuân Thành - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ và đại diện Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam

Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tiếp và làm việc có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, các Thứ trưởng: Doãn Mậu Diệp, Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Quân và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đã báo cáo tóm tắt kết quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Bộ LĐ-TB&XH. Theo Thứ trưởng, Bộ LĐ-TB&XH đã đạt nhiều kết quả trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Cụ thể, đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng luôn quan tâm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của Bộ; tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; tôn trọng và lắng nghe ý kiến góp ý của người dân; quan tâm giải quyết những kiến nghị chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện quy chế dân chủ theo quy định. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị.

Hàng năm, Bộ chủ trì, phối hợp với Công đoàn Bộ tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc, thiết thực, bảo đảm các nội dung theo quy định. Định kỳ 6 tháng 1 lần, Lãnh đạo Bộ cùng Ban Thường vụ Công đoàn cơ quan kiểm điểm thực hiện Nghị quyết của Hội nghị cán bộ, công chức.

Tại hầu hết các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ đã tổ chức Hội nghị cán bộ công chức định kỳ hàng năm theo quy định của pháp luật và ban hành nghị quyết Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức để quán triệt, triển khai thực hiện.

Đặc biệt, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính chế độ công vụ, công chức, tiến tới hiện đại hóa nền hành chính. Năm 2017, chỉ số kết quả cải cách hành chính của Bộ đã tăng 7 bậc so với năm 2016 (xếp thứ 12/19 bộ, ngành, thuộc nhóm 12 Bộ, ngành có chỉ số cải cách hành chính cao nhất trong năm)…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết Bộ xác định thực hiện tốt quy chế dân chủ là mục tiêu và động lực phát triển. Với phương châm "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, cụ thể", Bộ đề ra các mục tiêu cụ thể hướng tới 14 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể hóa bằng công việc. Hàng năm, Bộ chọn một nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá để tạo sự bứt phá, điển hình năm 2017, được xác định là năm "Đền ơn đáp nghĩa"; năm 2018 là năm đẩy mạnh giáo dục đào tạo. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường, tạo bước chuyển biến ban đầu. Đồng thời, Bộ đã góp phần hoàn thành các chi tiêu Quốc hội giao.

Bộ trưởng khẳng định, những kết quả trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở Bộ LĐ-TB&XH thể hiện ở nhiều mặt như: Bộ đã tập trung kiện toàn, thiết lập lại toàn bộ hệ thống các quy chế, lề lối làm việc; thực hiện công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; thực hiện công khai, minh bạch về vấn đề tài sản, tài chính…

Để phát huy kết quả thực hiện, thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng cần nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu. “Ở đâu vai trò của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu gương mẫu thì dân chủ được đề cao” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao kết quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở Bộ LĐ-TB&XH.

Theo Phó Thủ tướng, việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân có ba mức độ: Coi mình là một cơ sở để thực hiện quy chế dân chủ; chỉ đạo, phối hợp, làm gương để thực hiện quy chế dân chủ cho các cơ sở, trường nghề, hệ thống các trung tâm, Sở, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; đề ra các giải pháp để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ đối với cơ quan thuộc quyền quản lý, các trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp... “Ví dụ như xây dựng quy chế mẫu, quy chế ứng xử trong một cơ sở giáo dục nghề nghiệp rồi từ đó phổ biến, tập huấn cho các trường khác. Khi có một bộ quy chế thật bài bản, chi tiết, được tập thể người lao động thông qua thì bảo đảm dân chủ cơ sở được thực hiện tốt hơn” – Phó Thủ tướng gợi ý.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cần tăng cường phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để làm công tác dân vận chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần làm tốt công tác bồi dưỡng cán bộ với phương châm “người cần dân vận đầu tiên chính là công chức, cán bộ chính quyền. Như vậy thì hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền được nâng lên, công tác dân vận chính quyền, bảo đảm dân chủ cơ sở mới đi vào thực chất./.

Kim Thanh