Ả Rập Xêút, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain sẽ nhóm họp vào ngày hôm nay (5/7) để đưa ra quyết định có nên tiếp tục lệnh trừng phạt mà họ áp đặt lên Qatar hay không. Các quốc gia này cáo buộc Qatar đã tài trợ cho khủng bố đồng thời có quan hệ mật thiết với Iran – vốn bị các quốc gia Trung Đông cô lập và đưa ra 13 điều kiện để dỡ bỏ lệnh cấm vận. Doha đã bác bỏ cáo buộc này. Thông qua nước trung gian hòa giải Kuwait, Qatar gửi thông điệp sẽ không chấp nhận 13 yêu sách của các nước vùng Vịnh.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Qatar – ông Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cho biết trong buổi họp báo tại Doha nhân dịp ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel sang thăm: “Qatar mong muốn bày tỏ sự thiện chí và đưa ra các sáng kiến mang tính xây dựng, dựa trên sự đối thoại giữa các bên. Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.

Ông nói tiếp “Chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ (trong công cuộc chống tài trợ khủng bố), nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm”. Ông đồng thời mô tả các biện pháp trừng phạt lấy cớ để chống khủng bố là một quyết định bất hợp pháp của các quốc gia vùng Vịnh.

Ba quốc gia vùng Vịnh và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và quan hệ vận tải với Doha, khiến cho khu vực vùng Vịnh xảy ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn. Các quốc gia phương Tây lo sợ đây là một cuộc tranh chấp kéo dài. Cuộc tranh chấp này không chỉ gây ra các bất ổn chính trị mà còn có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Cũng trong buổi họp báo, ngoại trưởng Đức bày tỏ lập trường rằng ông cảm thấy Qatar đã tỏ ra hết sức kiềm chế kể từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra vào ngày 5/6. “Chúng tôi hy vọng các quốc gia khác sẽ có thái độ tương tự”. Truyền thông Qatar cũng dẫn lời tuyên bố của ông Gabriel “Các nước vùng Vịnh nên tôn trọng chủ quyền của Qatar".

Qatar sẵn sàng cho tranh chấp dài hạn

Tuy nhiên, các quốc gia vùng Vịnh kiên quyết yêu cầu Qatar đóng cửa đài truyền hình Al-Jazeera và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ căn cứ quân sự tại Qatar. Chính quyền Qatar cho rằng những yêu cầu này đang ảnh hưởng đến chủ quyền Qatar.

Qatar đã bắt đầu chuẩn bị hành động nhằm chứng tỏ sức mạnh của mình trước lệnh cấm vận. Tập đoàn dầu mỏ nhà nước Qatar Petroleum ngày 4/7 đã công bố kế hoạch nâng công suất khai thác khí đốt hóa lỏng tự nhiên lên 30%. Quyết định này được đánh giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường khí đốt hóa lỏng – nơi Úc, Hoa Kỳ và Nga đang ganh đua quyết liệt. Khí đốt hóa lỏng tự nhiên là loại khí có thể hóa lỏng ở nhiệt độ thấp, làm giảm lượng khí thải.

Giám đốc điều hành tập đoàn Qatar Petroleum – ông Saad al-Kaabi cho biết công ty sẽ tăng sản lượng khí đốt từ mỏ dầu khổng lồ North Field – mỏ dầu tự nhiên lớn nhất thế giới thuộc quyền kiểm soát chung của Qatar và Iran.
 

Giám đốc điều hành của Qatar Petroleum trong buổi họp báo ngày 4/7 - Ảnh: Reuters

 

Vào tháng 4 vừa qua, Qatar cũng bãi bỏ lệnh cấm phát triển mỏ dầu ở North Field công bố một dự án mới, tăng sản lượng khai thác trong vòng từ 5 -7 năm. Ước tính, mỗi năm tổng công suất của mỏ dầu này sẽ tăng thêm từ 30 – 77 triệu tấn dầu.

Tác động quốc tế

Với chi phí sản xuất thấp và cơ sở sản xuất khí đốt hóa lỏng của Qatar dễ dàng tiếp cận đến các nước có nhu cầu nhập khẩu từ châu Âu và châu Á, động thái tăng sản lượng của Qatar sẽ khiến các quốc gia cạnh tranh như Úc, Nga và Hoa Kỳ gặp khó khăn khi tìm thị trường mới. Cho đến nay, chỉ có tập đoàn Cheniere của Hoa Kỳ có dự án lớn với 150 triệu tấn/năm.

Do đó, nếu Qatar tăng sản lượng như đã tuyên bố, quốc gia này sẽ dễ dàng mở rộng tầm ảnh hưởng ngoại giao và có vai trò lớn hơn trong cuộc xung đột Syria.

Từ đầu năm đến nay, do sự khai thác dư thừa của các quốc gia xuất khẩu khí đốt hóa lỏng, giá loại khí đốt này tại châu Á đã giảm hơn 40% xuống còn 5,5 đô la/ đơn vị mmBtu.

Cho đến nay, đa số khí đốt hóa lỏng được cung cấp qua hợp đồng dài hạn giữa các quốc gia. Với nguồn cung vượt quá lượng cầu như hiện nay, các nhà phân tích mong đợi thị trường khí đốt hóa lỏng sẽ ngày càng được tự do hóa.

Thu Thủy (Theo Reuters, Al-Jazeera)