Nhấn mạnh công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số Bộ, ngành, địa phương còn thiếu sự chuyển biến, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) khẳng định, đây là một thực tế tồn tại trong nhiều năm nhưng vẫn chậm được khắc phục. “Số vụ án kinh tế, vụ án tham nhũng phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, giám sát là rất ít. Điều này phải chăng bắt nguồn từ nguyên nhân đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu hay do đối tượng phạm tội có trình độ cao, có thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để che đậy hành vi phạm tội của mình”, đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Trần Văn Mão phát biểu trước Quốc hội chiều nay 6/11 (Ảnh:KS)
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Mão cho rằng số lượng kê khai tài sản không đúng, không trung thực trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo vẫn còn rất nhiều. Điều này cho thấy biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức và hiệu quả còn thấp. Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương (quà tặng, quà cảm ơn, lót tay...) chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài xử lý việc kê khai không trung thực …
Để giải quyết tình trạng này, đại biểu kiến nghị cần phải nâng cao tính công khai minh bạch trong kê khai tài sản của cán bộ công chức, đặc biệt là lãnh đạo. Mặt khác, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về cơ chế kê khai tài sản, công khai kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức một cách hiệu quả.
Tham gia vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đặt ra câu hỏi “Có hay không có tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ, công chức”. Đại biểu cho rằng, tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ là có và không phải ngẫu nhiên mà người dân có câu “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ và bốn trí tuệ”. Chia sẻ khó khăn với cơ quan có trách nhiệm về phòng chống tham nhũng thời gian qua, song đại biểu nhấn mạnh, phòng chống tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ là việc phải làm ngay. Bởi lẽ nếu không làm tốt công tác này thì hệ quả của nó sẽ tạo ra một đội ngũ yếu kém và nguy hại hơn là tạo ra một đội ngũ tham nhũng tiếp theo.
Ông Nguyễn Mai Bộ đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa Luật Cán bộ công chức, bổ sung quy định đánh giá cán bộ công chức trước khi bổ nhiệm theo tiêu chí cụ thể một cách công bằng, minh bạch. “Một khi việc bổ nhiệm cán bộ được sửa đổi chắc chắn sẽ không còn kẽ hở để cán bộ tham nhũng trong công tác bổ nhiệm, đồng thời những người được bổ nhiệm cũng cảm thấy xứng đáng với những gì mình đạt được”, đại biểu nêu ý kiến.
Các đại biểu trong phiên họp chiều nay (Ảnh:KS)
Thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn
Dẫn báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ năm 2017, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho biết, các vụ tham nhũng đã gây thiệt hại trên 1000 tỷ đồng và 77.000 m2 đất, tuy nhiên đến nay mới thu hồi được hơn 300 tỷ đồng và 3.700 m2 đất. Tỷ lệ thu hồi về tiền được khoảng 22%, về đất khoảng 4,8%.
Qua theo dõi việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng lớn, đại biểu cũng cảm thấy thất vọng vì số tiền thu hồi được rất hạn chế. Cụ thể, trong vụ cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại tập đoàn Vinashin, theo quyết định thi hành án thì Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải liên đới, bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 7/2017, vẫn chưa thi hành được khoản nào. Trong vụ Vinalines, Dương Chí Dũng phải bồi thường 110 tỷ đồng, nhưng báo chí phản ánh đến nay mới thi hành được hơn 21 tỷ đồng.
Đại biểu Hiển cũng dẫn báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống Tham nhũng thì có hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán không thu hồi được. “Với những số liệu nêu trên rõ ràng việc thu hồi tài sản quá thấp so với những thiệt hại rất lớn mà nạn tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia”, đại biểu Hiển nói.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại hội trường (Ảnh:KS)
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng cho rằng, các vụ việc tham nhũng cho dù có làm tốt công tác điều tra, truy tố đến đâu, tòa án có tuyên những bản án nghiêm khắc thế nào mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng coi như chưa triệt để. Theo đại biểu, nguyên nhân của thực trạng trên là do đối tượng tham nhũng đều là người có chức vụ, có học thức, trình độ nhất định. Vì vậy, việc phạm tội được chuẩn bị kỹ càng, tinh vi và tài sản được che giấu kỹ lưỡng. Trong nhiều trường hợp khối tài sản tham nhũng được ngụy trang, chuyển hóa, chuyển đổi, tẩu tán, hợp pháp hóa, thậm chí sử dụng phần lớn tài sản chiếm được tiêu xài hoang phí nên khi phát hiện không còn có khả năng thu hồi.
Ngoài ra, trong quá trình tiến hành tố tụng, một số cơ quan tố tụng chưa quyết liệt đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chưa kịp thời áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như: kê biên, tạm giữ, cấm chuyển dịch tài sản để ngăn chặn tẩu tán tài sản. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế như kê khai tài sản mới chỉ chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kê khai. Chưa có cơ chế giám sát thu nhập của người dân nói chung, người giữ chức vụ, quyền hạn trong bộ máy, cơ quan Nhà nước nói riêng.
Từ thực trạng trên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa kiến nghị cần hoàn thiện pháp luật theo hướng mở rộng hợp lý đối tượng kê khai tài sản, công khai thực chất hơn, quy định xác minh tài sản một cách chủ động hơn. Qua tố tụng khi xác định tài sản do tham nhũng mà có thì cương quyết áp dụng biện pháp thu hồi cũng như kịp thời kê biên, phong toả tài sản nhằm phục vụ thi hành án sau này./.
Nhóm PV